TTCT - Nếu bắt chước lối nói gây sốc của nhà sử học Yuval Harari, cũng có thể khái quát, rằng mọi người không phải đang “chơi” Facebook mà Facebook đang biến mọi người thành nô lệ, quần quật làm công không lương cho nó! Một hôm có chàng trai buồn bã đến gặp vị thiền sư, nói: “Thưa thầy, không biết vì sao dạo này tâm con bất định, suy nghĩ mông lung, không dứt khoát được chuyện gì?”. Thiền sư bèn đưa tay giật lấy chiếc điện thoại trong tay chàng trai, chưa kịp nói gì thì chàng trai đã nhanh nhảu thốt lên, như thể ngộ ra: “Thưa thầy con hiểu rồi. Ý thầy nói con nên dùng Google để tìm hết mọi chân lý cuộc đời chứ gì!”. Thiền sư lắc đầu đáp: “Không, con. Ta chỉ muốn bảo con về tháo gỡ ứng dụng Facebook đi mới mong tìm được sự thanh thản và minh triết”. Gạt bỏ chuyện chọc cười sang một bên, rõ ràng hiện nay nhiều người bỏ ra nhiều giờ cho Facebook nhưng chưa hiểu gì mấy về cơ chế hoạt động của nó. Nếu bắt chước lối nói gây sốc của nhà sử học Yuval Harari, cũng có thể khái quát, rằng mọi người không phải đang “chơi” Facebook mà Facebook đang biến mọi người thành nô lệ, quần quật làm công không lương cho nó! Yuval Harari thì khiêu khích: đâu phải con người thuần hóa cây lúa mì, đúng ra cây lúa mì thuần hóa con người. Lúa mì bắt nhân loại lao động miệt mài để chăm sóc nó, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, thậm chí sống quần cư quanh lúa mì để suốt đời phụng sự cho nó. Chúng ta thì tự hỏi, Facebook có chút giá trị nào không khi không có ai thèm viết các dòng trạng thái rồi vào đọc tin tức của bạn bè, nhấn thích, nhấn chia sẻ... Cái giá trị mấy chục tỉ đôla của Facebook là nhờ cả 2 tỉ người đang miệt mài viết cho nó, biến nó thành cơ thể sống mà họ là các tế bào nhiệt tình nhất. Và trong quá trình đó, Facebook đang tác động đến con người ở nhiều góc cạnh không ai ngờ đến. Nhốt con người trong những bong bóng ngăn cách vô hình Ai cũng bảo, ưu điểm lớn nhất của Facebook là kết nối mọi người, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Có đúng thế không khi cơ chế hoạt động của Facebook dần dần sàng lọc để chỉ còn những nhóm cùng suy nghĩ, cùng quan điểm chơi với nhau? Câu dọa thường thấy nhất là: đừng nói bậy, bị block (chặn) giờ! Riết rồi trong danh sách bạn bè của một người không còn bóng dáng của người “bất đồng chính kiến”, chỉ còn những kẻ “đồng thanh tương ứng”, thật lòng hay miễn cưỡng. Đó là do người dùng chọn lựa, nhưng quan trọng hơn, là do Facebook có những thuật toán rất tinh vi. Nếu để yên không sàng lọc, không người nào hằng ngày có thể đọc hết những gì bạn bè viết hay chia sẻ trên Facebook. Sàng lọc thì phải sắp xếp ưu tiên để làm biên tập viên vô hình cho người dùng. Thế là, thấy người dùng thích gì, chia sẻ gì vài lần là sau đó Facebook sẽ “bày mâm bày bát” chủ yếu các món tương tự cho họ, ưu tiên cho cái gì vui vui, hấp dẫn, bắt mắt, không cãi cọ. Vì thế người thích tiệc tùng sẽ thấy toàn các chia sẻ ăn chơi, người thích du lịch sẽ thấy nhiều chia sẻ về thắng cảnh, người thích chính trị sẽ thấy toàn các dòng trạng thái đầy trăn trở trước mọi chuyển biến của xã hội. Và dần dà cái thế giới của Facebook mênh mông như thế nhưng lại gồm vô số các bong bóng đóng khung người dùng, nhốt họ trong đó, với cái thế giới của riêng họ. Thoạt đầu nhiều người hi vọng nền tảng Facebook sẽ mở rộng tầm nhìn cho họ, giúp họ tiếp xúc với các quan điểm khác nhau, cọ xát với những lập luận đối chọi. Thực tế việc tranh luận lành mạnh trên không gian Facebook gần như là không thể, tất cả phải nhường bước cho sự cả vú lấp miệng em vì trên đó cũng có những kẻ chuyên gây hấn, những kẻ hà dùa, những người to miệng thích bắt nạt kẻ yếu hơn, y như trong đời thật, lại không có những ràng buộc mà nền văn minh nhân loại dày công dựng nên để chi phối ứng xử của con người với nhau. Cái hại lớn nhất của Facebook, vì thế, là củng cố thiên kiến của mọi người một cách rất tinh vi vì cứ tưởng ai ai trên thế gian này cũng suy nghĩ như mình. Hay nói cách khác, Facebook cho bạn thấy cái bạn muốn thấy, thích đọc chứ không phải cái bạn nên thấy, nên đọc. Thật giả lẫn lộn Tin giả thời nào cũng có nhưng Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả lan tràn. Trước đây những người cổ xúy cho thế giới phẳng thường ca tụng các nền tảng như Yahoo 360o hay Facebook giúp trao quyền cho cá nhân để một người bình thường có tiếng nói ngang bằng các tờ báo lâu đời khác. Nhìn từ góc độ từng cá nhân như vậy thì quá đúng, nhưng nhìn từ góc độ người tiếp nhận thông tin thì sao? Các tờ báo có uy tín, đáng tin cậy không bao giờ khinh suất đăng bậy một tin chưa kiểm chứng, nhưng từng cá nhân thì lúc nào cũng sẵn sàng đăng các dòng trạng thái được càng nhiều người đọc càng tốt. Có gì khoái hơn đăng vài câu mà hàng loạt người vào đọc, thích và chia sẻ, tin càng giật gân càng được chia sẻ nhiều. Đó là cơ chế đẻ ra tin giả, tin bịa. Điều đáng buồn là bản năng con người giúp lan truyền loại tin giả này, ai cũng muốn có gì đó mới, lạ, độc, sốc để khoe với bạn bè. Ai cũng nghĩ nó vô hại vì đăng hôm nay, mai bị phát hiện sai thì xóa và lúc đó lại nghĩ mình chỉ là một cá nhân nhỏ xíu, đâu ai để ý. Lâu dần tin tức của báo chí đàng hoàng, nghiêm túc, loại tin mà cả đội ngũ làm báo bỏ công bỏ sức ra để đem về cho người đọc lại không thu hút người đọc bằng các dòng trạng thái của từng cá nhân. Mỹ đang đau đầu vì tin giả tác động đến cả cuộc bầu cử tổng thống của họ, các nơi khác đau đầu vì tin giả từng phá hoại thanh danh hay cả cuộc đời của nhiều cá nhân khác. Theo tờ The Economist, Facebook thừa nhận trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, 146 triệu người dùng có thể đã đọc những thông tin sai lệch do phía Nga tung ra trên Facebook. Tờ này nhận định, thay vì đem lại sự khai sáng thì mạng xã hội lại làm lan truyền độc chất. Ngày xưa thuyết âm mưu cũng tồn tại, kiểu như Mỹ chưa hề đặt chân lên mặt trăng hay người ngoài hành tinh đang sống giữa loài người nhưng chúng ít phổ biến. Ngày nay, các tay bơm thổi cho các thuyết âm mưu xoa tay hứng khởi vì mỗi khi tung ra một thuyết mới là Facebook giúp họ chia sẻ, lan truyền chúng khắp nơi. Và một khi mạng xã hội lôi kéo đủ một lượng người nào đó chia sẻ thì báo chí chính thống phải nhảy vào, chứ đứng ngoài cuộc chơi lại mất thêm độc giả. Kẻ phát hành báo chí không được mời Hiện nay Facebook là kênh phát hành báo chí trực tuyến cực kỳ quan trọng. Các báo dù không muốn cũng phải thừa nhận vai trò phát hành này. Cuối năm 2013, theo lời kể của tờ The Atlantic, Facebook âm thầm thử nghiệm quảng bá cho các báo bằng cách dùng quảng cáo nội bộ lôi kéo người dùng “thích” các trang Facebook của một số báo nổi tiếng. Bỗng chốc lượng người dùng vào đọc các báo này tăng vọt mà không cần có động thái cải tiến nào cả. Các báo vừa thích vừa lo sợ, than “Facebook làm chủ chúng ta rồi”. Theo bàn tán của giới báo chí Mỹ lúc đó, Facebook làm vậy để cạnh tranh với Twitter đang chiếm sự chú ý của báo chí. Mới đây Facebook lại thử nghiệm khóa các dòng thông tin người dùng không cho các chia sẻ từ báo chí xuất hiện nữa; ai muốn hiện lên thì phải trả tiền. Thử nghiệm này mới chỉ tiến hành ở sáu nước nhưng kết quả đã gây lo ngại cho báo chí: lượng người đọc ở sáu nước này giảm sút nghiêm trọng. Theo nhiều khảo sát, trên 60% giới trẻ đọc tin tức là dựa vào giới thiệu của bạn bè trên Facebook; kết hợp với các loại hình như kết quả tìm kiếm trên Google, các nơi tổng hợp tin như Google News thì số phận các báo xem như do người khác định đoạt. Gián tiếp nắm trong tay báo chí như thế, không lạ gì Facebook dễ dàng tác động vào mọi khía cạnh của đời sống mọi người mà họ không hề hay biết. Cái hại lớn nhất của Facebook là củng cố thiên kiến của mọi người một cách rất tinh vi vì cứ tưởng ai ai trên thế gian này cũng suy nghĩ như mình. Facebook cho bạn thấy cái bạn muốn thấy, thích đọc chứ không phải cái bạn nên thấy, nên đọc. Sống chung với lũ Dưới áp lực của người dùng, Facebook phải đang điều chỉnh nhiều thứ như cố dẹp bỏ tin giả. Họ đã nhiều lần thay đổi các thuật toán điều chỉnh sự xuất hiện thông tin trên trang Facebook của người dùng. Facebook làm ra tiền nhờ vào người dùng nên bằng mọi giá họ phải giữ chân người dùng trên Facebook nhiều chừng nào tốt chừng đó. Vì thế, thay đổi gì thì thay đổi, ưu tiên của thuật toán Facebook là làm sao mọi thứ bày biện bắt mắt bạn, làm bạn không rời, cứ cuộn lên đọc tiếp. Cho nên đó vẫn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho mọi tay chơi nghĩ ra đủ cách để điều khiển bạn một cách vô thức, dù chỉ để thuyết phục bạn mua hàng. Vì vậy khó lòng chống chọi lại các ảnh hưởng không như ý của Facebook, trừ phi xóa hẳn nó đi như lời khuyên của vị thiền sư kia. Còn vẫn dùng, cách tốt nhất là chủ động bắt Facebook bày mâm bày bát theo kiểu có lợi cho bạn như chọn theo dõi các nhóm có những hoạt động bạn quan tâm. Bấm thích một hội những người thích một loại xe gì đó có thể đem lại cho bạn những thông tin hữu ích hay bất ngờ về loại xe bạn cũng mê; bấm theo dõi một hội những người cùng chia sẻ một thú vui sưu tầm vật gì đó, bạn khỏi cần vào các diễn đàn khó theo dõi vì Facebook sẽ hiện thông tin lên cho bạn. Hãy bấm thích thật nhiều cho các trang báo mà bạn tin tưởng vào uy tín để tận dụng thuật toán của Facebook. Sẽ đến lúc Facebook phải dán nhãn cho các nguồn thông tin đáng tin cậy, nguồn chưa kiểm chứng vì sẽ đến lúc các nước đòi hỏi Facebook chịu một phần trách nhiệm cho những thông tin đăng tải trên trang của họ như báo chí đang phải chịu trách nhiệm. Suy cho cùng Facebook là tờ báo khổng lồ mà phóng viên là 2 tỉ người dùng; chỉ có điều vì họ làm không công nên Facebook phải chịu tốn tiền cho một bộ lọc để duy trì một độ tin cậy nhất định cho tờ báo khổng lồ đó; bằng không quy luật cuộc sống bắt phải đẻ ra một thứ khác để thay Facebook.■ Tags: FacebookNô lệ facebookNghiện facebookThoát khỏi facebook
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.