Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến thăm chính thức tại Việt Nam - Ảnh: V.Dũng |
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masato Otaka cho biết phía Chính phủ Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp thêm tàu mới 100% cho Việt Nam để giúp tăng cường năng lực an ninh hàng hải và Chính phủ Nhật đang xem xét các đề nghị này.
Ông Masato Otaka đã tiết lộ thông tin này trong cuộc họp báo với báo giới ở Hà Nội tối 5-5 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida.
“Nhật thường cung cấp viện trợ cho các đối tác thông qua đề nghị cụ thể của họ. Hiện tại chúng tôi đang nghiên cứu các phương án cung cấp. Nếu cung cấp tàu mới cho Việt Nam, nó sẽ cùng loại với sáu con tàu đã qua sử dụng mà Nhật đã cung cấp cho Việt Nam” - ông Otaka nói.
Ngày 5-5, Ngoại trưởng Kishida đã có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phó phát ngôn Otaka nói thông điệp chính của ông Kishida với lãnh đạo Việt Nam là Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thông qua viện trợ ODA vì Việt Nam là động lực phát triển trong khu vực. Ông Otaka nói dự án Đại học Việt - Nhật sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể làm việc cho các công ty Nhật ở Việt Nam hoặc ở Nhật.
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Fumio Kishida, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; tích cực hợp tác triển khai các thỏa thuận đã ký kết, nhất là kết nối hai nền kinh tế ở cả trung ương và địa phương; mong muốn Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam trong năm tài khóa 2016; hỗ trợ Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu nền kinh tế và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ lâu dài cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới một số khu vực của Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình hình Biển Đông thời gian gần đây; nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, các bên liên quan không được có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nội dung Hội nghị G7 cấp bộ trưởng vừa qua tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Fumio Kishida cho biết hội nghị đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn về an ninh trên biển và tại Hội nghị G7 mở rộng sắp tới, dự kiến có nội dung về xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, pháp quyền trên biển, tự do hàng hải, hàng không.
Thủ tướng khẳng định sẽ tham gia Hội nghị bảy nước công nghiệp phát triển mở rộng (Hội nghị G7 mở rộng) theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, Ngoại trưởng Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thông qua tài trợ vốn ODA, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh đó sẽ xem xét hỗ trợ cụ thể giải quyết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam.
Trước đó, trong cuộc hội đàm Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam, tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản coi trọng và mong muốn đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và thực chất hơn nữa, nhất trí hỗ trợ và hợp tác tích cực với Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, tiếp tục hỗ trợ trong lĩnh vực rà phá bom mìn.
Việt - Nhật đẩy mạnh hợp tác quân sự Tại buổi họp báo, phó phát ngôn Otaka cũng tiết lộ hai bên đề cập đến hợp tác quân sự. “Như bạn đã biết thời gian gần đây, các tàu thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã cập cảng Cam Ranh. Chúng tôi hi vọng sẽ có những hợp tác thiết thực giữa lực lượng hai bên. Trong tương lai, chúng ta có thể hợp tác về các thiết bị quân sự, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc” - ông Otaka trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận