Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (phải) và Thủ tướng Úc Scott Morrison giữ các văn bản đã ký trong lễ ký kết hiệp ước quốc phòng qua video ngày 6-1 - Ảnh: AFP
Hôm nay (6-1), Nhật Bản và Úc đã ký hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Theo Hãng tin AFP, hai nước nói rằng hiệp ước này sẽ đóng góp vào sự ổn định khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quân sự và kinh tế.
Thủ tướng Úc Scott Morrison không đề cập trực tiếp Bắc Kinh trong tuyên bố đưa ra trước ngày ký kết, nhưng thỏa thuận này được coi là một bước nữa của các đồng minh trong khu vực nhằm bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Trước cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 6-1 với người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Morrison gọi hiệp ước này là "tuyên bố về cam kết của hai quốc gia trong việc hợp tác giải quyết những thách thức an ninh chiến lược chung mà chúng ta phải đối mặt và đóng góp cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và ổn định".
"Hiệp ước mang tính bước ngoặt này lần đầu tiên sẽ cung cấp một khuôn khổ rõ ràng để tăng cường khả năng hoạt động và hợp tác giữa hai lực lượng của chúng ta" - ông Morrison nói.
Nhật Bản và Úc cùng với Mỹ và Ấn Độ là các thành viên của nhóm "Tứ giác kim cương" (QUAD). Các nước này đã nỗ lực xây dựng liên minh khi đối mặt với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp châu Á.
Ông Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, đánh giá hiệp ước nói trên có thể nâng cao năng lực của Tokyo và Canberra trong việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung cùng với Mỹ.
"Có thể Trung Quốc sẽ coi hiệp ước này là bằng chứng thêm nữa cho thấy các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến đang tìm cách cản trở sự trỗi dậy của họ" - ông Wyne nói thêm.
Khi được hỏi về hiệp ước nói trên trong cuộc họp báo hôm qua 5-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Thái Bình Dương đủ rộng lớn dành cho sự phát triển chung của các nước trong khu vực".
Ông Uông nói rằng việc trao đổi và hợp tác giữa các quốc gia với nhau nên có lợi cho việc tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, và bảo vệ hòa bình cũng như ổn định khu vực, thay vì nhắm mục tiêu vào hoặc phá hoại lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào.
"Chúng tôi hy vọng Thái Bình Dương sẽ là một đại dương thái bình, không phải là nơi để làm dậy sóng" - ông Uông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận