Người dân Nhật tuần hành với hình ảnh nhà báo Kenji Goto ở Tokyo ngày 1-2 - Ảnh: Reuters |
Hôm qua, một ngày sau IS tuyên bố chặt đầu nhà báo Kenji Goto, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định trước một ủy ban quốc hội nước này rằng ông muốn thảo luận một khuôn khổ cho phép quân đội Nhật tham gia giải cứu khi công dân nước này gặp nguy hiểm.
Ông kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài nhằm hỗ trợ các đồng minh.
Cam kết chắc nịch
“Bảo đảm an toàn cho công dân Nhật là trách nhiệm của chính phủ và tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất. Cách duy nhất để chống khủng bố là hợp tác với cộng đồng quốc tế và đẩy mạnh cơ chế đảm bảo an toàn cho nhân dân Nhật” - Hãng tin Kyodo dẫn lời Thủ tướng Abe tuyên bố.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định Tokyo cam kết làm tròn trách nhiệm của mình tham gia cùng cộng đồng quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố.
“Nếu chúng ta không cùng hành động vì sợ sệt những kẻ khủng bố thì đó sẽ là điều mà bọn khủng bố hèn hạ muốn. Ðối với bọn khủng bố, chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng vì hành động này” - ông Abe nói trên Ðài truyền hình NHK.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong một tuyên bố đưa ra ngày 1-2 cũng đã chỉ trích vụ sát hại nhà báo Goto là “hành vi hèn hạ và tàn ác”.
“Tội ác này một lần nữa đang là sự nhắc nhở bi thảm về những mối nguy hiểm đang dâng cao mà các nhà báo và những người khác đang đối mặt hằng ngày ở Syria. Chuyện này cũng một lần nữa chứng minh sự tàn bạo của IS, tổ chức đang thực hiện hàng ngàn cuộc lạm dụng đối với người Syria và Iraq”.
Không giống như Mỹ, Anh và các đồng minh khác, Nhật Bản không liên quan trong chiến dịch quân sự chống IS.
Tuy nhiên, Tokyo đã tuyên bố viện trợ nhân đạo ở Trung Ðông trong bối cảnh IS đang tiếp tục những cuộc tấn công đẫm máu nhằm củng cố một nhà nước Hồi giáo ở khắp Iraq và Syria.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố chính phủ nước ông sẽ không vì chuyện này mà dừng viện trợ cho Trung Ðông.
Thiếu năng lực giải quyết khủng hoảng
Việc chính quyền Tokyo không giải cứu thành công hai công dân bị IS bắt giữ đang dấy lên những nghi ngờ về khả năng xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế.
Giới phân tích nhận định cái chết của nhà báo Kenji Goto và doanh nhân Haruna Yukawa đang làm “thức tỉnh” Nhật Bản, cho thấy sự yếu kém của chính phủ trong việc kết nối các nguồn tin ngoại giao trong khu vực.
“Chính phủ đã thiếu thông tin, điều này gây khó khăn cho họ trong việc xử lý tình huống. Ðó là một tiếng kêu thức tỉnh đối với Nhật Bản. Sau lần này, họ sẽ đẩy mạnh hợp tác tình báo ở trong và ngoài nước” - AFP dẫn lời chuyên gia an ninh tại Trường đại học Takushoku, ông Takashi Kawakami.
Masanori Naito, giáo sư khoa Hồi giáo và Trung Ðông của Trường đại học Doshisha, cho rằng Tokyo nên tìm kiếm sự hỗ trợ sang cả Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước từng giải cứu thành công nhiều con tin do IS bắt giữ.
Thêm vào đó, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ xem xét ý tưởng sử dụng quân đội Nhật ở các nơi mà công dân Nhật đang gặp nguy hiểm ở nước ngoài. Chính phủ và các đảng cầm quyền ở Nhật nên bàn bạc kỹ vấn đề này.
Trong khi đó, nhiều người Nhật đang kêu gọi không xem ảnh hành quyết nhà báo Goto mà thay vào đó lan truyền hình ảnh của ông khi tác nghiệp tại những vùng khủng hoảng nhân đạo, đưa tin về người dân thường bị kẹt giữa những làn đạn.
Một số người chỉ trích việc các đài truyền hình liên tục đưa hình ảnh trong đoạn băng ghi cảnh xử tử, cho rằng đó sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với người Nhật.
Tranh luận về tên gọi cuộc chiến AFP dẫn lời Tổng thống Obama khẳng định Washington cùng đoàn kết với Nhật Bản trong việc lên án “hành động man rợ này”. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định không dùng những cái tên mang tính chống tôn giáo trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ là một trong những quốc gia dẫn đầu. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh nếu làm như vậy sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực “triệt tận gốc” những “tư tưởng cực đoan” còn ẩn núp trong cộng đồng Hồi giáo. Trả lời trên CNN ngày 1-2, tổng thống Mỹ tỏ ra cẩn trọng khi nói về nguy cơ các nhóm khủng bố cường điệu mối đe dọa của chúng. Ông cho rằng nước Mỹ nên đứng cùng hàng ngũ với đại đa số người Hồi giáo yêu hòa bình. Những người này thường chống những tư tưởng cực đoan cũng như chiến lược của các nhóm khủng bố như IS và Al Qaeda. Các nghị sị Ðảng Cộng hòa gần đây đã chỉ trích ông Obama về việc từ chối đặt tên cho mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và các nước phương Tây đang đối mặt là cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. “Chúng ta đang trong một cuộc chiến tôn giáo với bọn Hồi giáo cực đoan. Khi tôi nghe tổng thống Mỹ và người phát ngôn của ông ấy thất bại trong việc thừa nhận rằng chúng ta đang trong một cuộc chiến tôn giáo, tôi thật sự bực mình” - thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói trên Fox News. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận