Theo số liệu của Bộ Y tế, từ tháng 3-2006 đến tháng 3-2007, có khoảng 355 nhân viên bị bệnh nặng hay qua đời do phải thường xuyên tăng ca liên tục, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có 147 người tử vong do tai biến tim mạch hay bị đột quị.
Các ca tử vong do làm việc quá sức (theo tiếng Nhật là "karoshi") đang thực sự trở thành một thảm họa xã hội trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế vượt bậc sau chiến tranh tại Nhật. Theo Mikio Mizuno, một luật sư chuyên về các vấn đề "karoshi", áp lực đặc biệt đè nặng lên vai các công nhân viên chức trẻ vốn đang ngày càng đông. Ở tuổi 20 - 30, đối tượng này có khuynh hướng gia tăng tối đa cường độ làm việc, bất chấp tình trạng sức khỏe của họ khiến họ dễ rơi vào tình trạng loạn nhịp tim, điều có thể dẫn đến tử vong.
Trước thực trạng này, chính quyền Nhật đã phát động chiến dịch khuyến khích giới công nhân viên chức nghỉ phép nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình họ hay tăng cường nhiều biện pháp đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 819 nhân viên bị rối loạn tâm thần do làm việc quá tải trong năm 2006, có 205 người đã được nhận tiền bồi thường. Bên cạnh đó, 176 ca rối loạn tâm thần đã tự tử hay có ý định tự tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận