Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tham dự lễ thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ - Ảnh chụp màn hình Kyodo News
Lễ thành lập lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật Bản đã diễn ra hôm qua 18-5 với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono. Tư lệnh lực lượng không gian Mỹ đã lập tức lên tiếng chúc mừng.
Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trình làng cờ của Lực lượng vũ trụ và tuyên bố Washington là người lãnh đạo trong không gian.
Theo Hãng thông tấn Kyodo, lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật Bản sẽ hợp tác với quân đội Mỹ và Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản để xác định các mối đe dọa từ không gian.
Tổng hành dinh của lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật Bản sẽ đặt tại Fuchu, phía tây thủ đô Tokyo. Để giám sát tất cả các vệ tinh nằm trong quỹ đạo địa tĩnh (cách mặt đất 36.000km), lực lượng này sẽ sử dụng một rađa thế hệ mới đặt tại tỉnh Yamaguchi.
Nhiệm vụ chính của lực lượng này là giám sát các vệ tinh đáng ngờ, mảnh vỡ không gian, tiểu hành tinh và các mối đe dọa khác đối với các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản.
Trước mắt lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật sẽ trực thuộc Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và có 20 thành viên. Việc giám sát vệ tinh có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2023.
Lá cờ của lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật Bản - Ảnh: TWITTER
Theo tạp chí Nikkei Asian Review, cuộc đua không gian đang ngày càng nóng khi các nước chạy đua giành thế chủ động song song với việc tiến hành các biện pháp nhằm triệt hạ ưu thế của đối thủ.
Các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên các vệ tinh cũ của mình, điều mà theo Nikkei Asian Review là "không bị cấm theo luật quốc tế".
Ông Setsuko Aoki, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Keio ở Tokyo, nhận xét vẫn còn rất nhiều mơ hồ trong việc phân loại đâu là các hành động hợp pháp và bất hợp pháp ngoài không gian. Lấy ví dụ như việc cản trở hoạt động của vệ tinh nước khác có rất nhiều cách hiểu.
Ngoài việc sử dụng vũ khí để phá hủy hoàn toàn, các hành vi như gây nhiễu hoặc tấn công mạng để đẩy vệ tinh ra khỏi quỹ đạo hoạt động có được xem là cản trở hay không vẫn chưa có được sự thống nhất quốc tế.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tham gia các cuộc diễn tập mô phỏng tác chiến vũ trụ với Mỹ từ năm 2016 và đang lên kế hoạch đưa binh sĩ tới Trung tâm điều hành không gian hỗn hợp tại căn cứ Vandenberg ở California (Mỹ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận