26/10/2013 08:02 GMT+7

Nhật siết chặt bí mật thông tin

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Chính phủ Nhật đã nhất trí về dự luật bí mật quốc gia gây tranh cãi nhằm siết chặt sự tiếp cận thông tin của công chúng đối với hàng loạt vấn đề như tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và cuộc khủng hoảng hạt nhân.

RxpaLAVW.jpgPhóng to
Dọn dẹp đất nhiễm xạ ở Fukushima ngày 5-7. Thông tin về rò rỉ phóng xạ tại đây bị bưng bít cho đến khi báo chí vào cuộc điều tra - Ảnh: Reuters

Kyodo News đưa tin rằng hôm qua nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thống nhất dự luật gồm các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các công chức, chính trị gia và nhiều đối tượng khác làm rò rỉ thông tin bí mật quốc gia và đe dọa tới an ninh. Ông Abe gọi dự luật là “điều kiện tiên quyết” để Nhật giành được sự tín nhiệm cũng như tham gia chia sẻ thông tin tình báo với các nước khác. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga nhấn mạnh việc xây dựng một khuôn khổ luật pháp để bảo vệ bí mật quốc gia là “một vấn đề khẩn cấp” và cho biết chính phủ sẽ dốc sức để thúc đẩy dự luật này.

Chính phủ gần như nắm chắc khả năng dự luật này được thông qua trong phiên họp quốc hội hiện tại, dự kiến kéo dài đến ngày 6-12, khi mà liên minh do Đảng Dân chủ tự do của ông Abe đang nắm đa số trong cả hai viện của quốc hội. Đây là tiền đề cho việc thành lập một hội đồng an ninh quốc gia của Nhật Bản để đối phó với nguy cơ an ninh xung quanh. Hội đồng này sẽ nắm các chính sách an ninh và sự phối hợp giữa các bộ.

Theo dự luật bí mật thông tin mới, những người làm lộ “những bí mật đặc biệt” sẽ đối mặt với án tù lên đến 10 năm, gấp 10 lần mức hiện tại. Phóng viên và những cá nhân xúi giục, tiếp tay tiết lộ thông tin cũng có thể lãnh án 5 năm. Bí mật đặc biệt gồm các thông tin liên quan đến chính sách quốc phòng, ngoại giao, gián điệp, hoạt động khủng bố... ví dụ như các số liệu về vũ khí, máy bay, các cuộc đàm phán ngoại giao với các nước. Lãnh đạo cấp cao của tất cả các bộ trong chính phủ, thay vì chỉ Bộ Quốc phòng như trước kia, cũng được quyền quyết định thông tin nào sẽ là “bí mật đặc biệt” với thời gian được bảo vệ tối thiểu năm năm. Tuy nhiên thời hạn có thể được nâng lên đến 30 năm hoặc thậm chí lâu hơn theo sự cho phép của chính phủ.

Dù dự luật cũng nhắc đến “suy xét kỹ lưỡng” về quyền được biết của người dân và quyền tự do báo chí, nó không thể xoa dịu được sự lo ngại của giới chuyên gia và truyền thông. Nhiều người cho rằng dự luật bao phủ một diện quá rộng nhưng lại rất mơ hồ. “Ý định thật sự của ông Abe là che giấu các sai phạm... và có thể giữ mọi thứ bí mật mãi mãi” - Reuters dẫn lời chuyên gia khoa học chính trị Koichi Nakano thuộc Đại học Sophia chỉ trích.

Theo một số ý kiến, việc chính phủ được quyền xác định đâu là thông tin mật mà không cần sự xác nhận của bên thứ ba độc lập nào sẽ trao thêm quyền kiểm soát thông tin của chính phủ và dẫn đến nguy cơ lạm quyền. Ngay lập tức, hôm qua Đảng Dân chủ đối lập đã nộp bản sửa đổi một đạo luật lên quốc hội nhằm bảo vệ sự tự do tiếp cận thông tin của người dân, trong đó quyền quyết định thông tin mật sẽ thuộc về tòa án.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên