Ảnh chụp các bồn chứa nước tại Nhà máy hạt nhân Daiichi ở Fukushima - Ảnh: REUTERS
Việc xử lý nước thải từ Nhà máy Daiichi ở Fukushima bị tàn phá sau thảm họa động đất, sóng thần cách đây 10 năm là một vấn đề nan giải của Nhật Bản.
"Chính phủ Nhật Bản đã tổng hợp các chính sách cơ bản về việc xả nước đã xử lý ra đại dương, sau khi đảm bảo mức an toàn của nước", Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Yoshihide Suga nói ngày 13-4 trong cuộc họp với nội các, nhấn mạnh rằng xử lý số nước thải này là một việc không thể né tránh.
Hơn 1,2 triệu tấn nước đang chứa trong các bồn lớn tại Nhà máy Daiichi, gồm nước dùng để làm mát trong nhà máy, nước mưa và nước ngầm. Tokyo vẫn đang lọc nước từ nhà máy mỗi ngày.
Theo Chính phủ Nhật, số nước này đã được xử lý loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium, nhưng vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp, và làm loãng theo quy chuẩn quốc tế.
Tokyo cho biết Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đánh giá việc xả thải này cũng tương tự tại các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới.
Dự kiến việc xả nước sẽ bắt đầu trong 2 năm tới và toàn bộ quá trình có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, việc xả nước vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở Nhật Bản cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc.
"Họ nói với chúng tôi rằng họ sẽ không xả nước ra biển nếu không có sự ủng hộ của ngư dân. Chúng tôi không thể chấp nhận hành động nuốt lời và đơn phương xả nước ra biển này", Kanji Tachiya, người đứng đầu một hợp tác xã thủy sản địa phương ở Fukushima, nói với Đài NHK.
Trong khi đó, ngoại trưởng Hàn Quốc ngày 12-4 cũng bày tỏ "rất lấy làm tiếc về quyết định có thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh trong tương lai".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm" đối với việc xả nước.
"Để bảo vệ lợi ích chung của quốc tế và sức khỏe, sự an toàn của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với phía Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao", người phát ngôn Trung Quốc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận