Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đang xem xét triển khai các tuyến đường vận chuyển hàng hóa tự động kết nối các thành phố như Tokyo và Osaka.
Những làn đường tự động như vậy sẽ cho phép vận chuyển các bưu kiện nhỏ bằng xe vận chuyển không người lái.
Nhật Bản đang chuẩn bị chạy thử nghiệm trong một khu vực hạn chế và trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu là triển khai các tuyến đường cho xe tự lái như vậy trong vòng 10 năm tới.
Nhân viên Cục Đường bộ của MLIT cho hay các công ty đường bộ đã đề xuất thiết lập các làn đường vận chuyển hàng hóa tự động ở dải phân cách, bên lề đường cao tốc hoặc dưới lòng đất.
Các công ty cũng đã cung cấp thông tin chi tiết đánh giá tính khả thi về mặt kỹ thuật của các làn đường như vậy.
Tuyến đường giữa hai thành phố lớn là thủ đô Tokyo và Osaka là lựa chọn phù hợp nhất cho dự án, do hoạt động vận chuyển hàng hóa cao.
Hồi tháng 4, quy định giới hạn giờ làm thêm của tài xế xe tải ở mức 960 giờ/năm đã có hiệu lực, làm giảm số giờ mà mỗi tài xế có thể ở trên đường và gây khó khăn cho công tác hậu cần.
Bên cạnh đó, lực lượng tài xế già đi cũng là một mối quan ngại nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp can thiệp của chính phủ, công suất vận tải hàng hóa dự kiến giảm 34% vào năm tài chính 2030.
Theo MLIT, việc triển khai các làn đường vận chuyển hàng hóa tự động có thể giảm lưu lượng xe tải hằng ngày khoảng 12.000 - 35.000 xe.
Về mặt tài xế, mức giảm tương đương khoảng 10.000 - 25.000 nhân viên. Xe hàng tự động sẽ vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa theo lịch trình thường xuyên, trong khi xe tải sẽ đóng vai trò dự phòng để giải quyết những thay đổi đột ngột về nhu cầu, tạo nên sự linh hoạt.
Theo kế hoạch, những xe chở hàng này sẽ chạy bằng năng lượng sạch, vừa giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực hậu cần, vừa giảm lượng khí thải nhà kính bằng cách cắt giảm lưu lượng xe cơ giới.
Trong một số điều kiện nhất định, hệ thống này dự kiến giảm lượng khí thải CO2 từ xe tải của Nhật Bản khoảng 1,5 - 3,8%/năm.
Thụy Sĩ đang hướng đến một kế hoạch tương tự, khi tìm cách xây dựng một mạng lưới đường hầm cho phép vận chuyển hàng hóa bằng các đường ống tự động ở tốc độ 30km/h liên tục trong 24 giờ.
Quốc gia này có kế hoạch xây dựng tổng cộng 500km đường hầm kết nối các thành phố lớn như Zurich và Geneva vào năm 2045.
MLIT đang theo dõi chặt chẽ dự án của Thụy Sĩ và kế hoạch tương tự của Anh để tham khảo kinh nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận