"ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong suốt nhiều năm qua", Đại sứ Ito Naoki khẳng định với Tuổi Trẻ Online trong cuộc gặp báo chí ngày 28-6 tại Hà Nội, nhân dịp ông bắt đầu nhiệm vụ đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo ông Ito Naoki, có thể nhìn thấy rõ điều đó ngay từ khi đặt chân đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), với nhà ga T2 được xây dựng khang trang, hay khi xe lăn bánh trên cầu Nhật Tân dẫn vào trung tâm thủ đô.
Những công trình đó đều được xây dựng, hỗ trợ bằng ODA do Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam và có sự áp dụng công nghệ của nước này trong quá trình thực hiện.
ODA thế hệ mới cho nhiều lĩnh vực tại Việt Nam
Ngoài cơ sở hạ tầng, Nhật Bản cũng cung cấp ODA cho các dự án hợp tác về mặt kỹ thuật, với các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam chuyển giao kiến thức, kỹ thuật và công nghệ.
Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã cung cấp ODA trị giá hơn 3.260 tỉ yen cho Việt Nam. Tân đại sứ Nhật Bản khẳng định một trong những mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ lần này là "làm sôi động lại các hoạt động dùng vốn ODA".
"Điều đó sẽ không dừng lại ở các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng mà còn những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, giáo dục", ông Ito Naoki nói thêm.
Năm ngoái, Sách trắng hợp tác phát triển của Nhật Bản tuyên bố nước này sẽ chủ động đề nghị cung cấp ODA cho các nước đang phát triển, song song với cách làm cũ là dựa vào đề nghị từ các nước.
Khi Tuổi Trẻ Online hỏi về điều này, Đại sứ Ito Naoki cho biết Nhật Bản sẽ chủ động đề xuất ODA cho Việt Nam trong lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế.
Ông cũng dẫn ra tuyên bố chung giữa hai nước khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11-2023.
Trong đó khẳng định hai bên chia sẻ ý định thúc đẩy và triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản trong khuôn khổ Hiến chương ODA mới, đồng thời "ghi nhận tầm quan trọng của các yếu tố như tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt".
Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 TP.HCM, đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Bến Lức - Long Thành và dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 là ba dự án Nhật Bản sẽ tập trung thúc đẩy thời gian tới.
"Những khó khăn hiện tại chỉ là vấn đề phát sinh. Để thúc đẩy, tôi cho rằng hai bên cần ngồi lại để hiểu rõ nhau hơn, đặt mình vào vị trí của đối tác để hiểu rõ các vấn đề phát sinh, sớm hoàn thành dự án", Đại sứ Ito Naoki nêu giải pháp.
Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao thị trường Việt Nam
Để làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, tân đại sứ Nhật Bản cho rằng đầu tư của doanh nghiệp hai nước đóng vai trò quan trọng.
Hiện thủ tục xin đầu tư của Việt Nam còn mất nhiều thời gian, không phải lúc nào cũng rõ ràng với nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục xin cấp phép, chứng nhận cũng phức tạp, do đó ông Ito Naoki kêu gọi giải quyết vấn đề này để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn từ Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng và triển vọng đầu tư. Hiện số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là hơn 2.000, khoảng 1.000 doanh nghiệp ở miền Nam, miền Trung là 200 doanh nghiệp và số còn lại ở miền Bắc.
Dẫn ra một cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) gần đây về việc doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào nước nào nhất, ông Ito Naoki cho biết Việt Nam đứng thứ hai về mức độ ưa thích. Trong đó, với các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, 60% nói muốn mở rộng đầu tư tại đây.
Lý giải về điều này, Đại sứ Nhật Bản cho rằng Việt Nam có ba điều tạo nên sự hấp dẫn. Đầu tiên phải kể đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt và thị trường lớn với 100 triệu dân.
Thứ hai là Việt Nam hiện đang được đánh giá là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là yếu tố con người, sự chăm chỉ, có năng lực của lao động Việt Nam.
Dĩ nhiên theo ông Ito Naoki, cũng có tồn đọng mấy vấn đề như hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, giấy tờ tốn nhiều thời gian, cung cấp điện chưa ổn định. Mặc dù vậy, nhìn chung các doanh nghiệp nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhiều tiềm năng và mong muốn đầu tư hơn.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang hết sức tốt đẹp
Điểm lại hoạt động giữa hai nước trong thời gian vừa qua, Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh việc hai nước nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới" là một động thái rất có ý nghĩa.
Ông đặc biệt chú ý đến hậu tố "vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới", nhấn mạnh điều đó cho thấy những nội dung hợp tác giữa hai nước hướng tới việc làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, góp phần giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.
Khi được hỏi về những điều ấn tượng tại Việt Nam, Đại sứ Ito Naoki chia sẻ vì mới đến Việt Nam từ giữa tháng 5 nên ông chưa có dịp đi nhiều. Tuy nhiên, ông nhận thấy giữa hai nước có điểm chung lớn là bề dày văn hóa và sự giao thoa giữa truyền thống với hiện đại.
Đại sứ Nhật Bản cũng chia sẻ trong thời gian tới, ông sẽ khám phá xem người trẻ Việt Nam thích âm nhạc gì ngoài âm nhạc cổ truyền và thử tất cả các món sợi làm từ bột gạo, bột mì của Việt Nam.
"Nhật Bản và Việt Nam có nét tương đồng là người dân thích ăn các món sợi. Tôi muốn thưởng thức tất cả các loại đó ở đây từ bún, miến đến cao lầu để khám phá những hương vị khác nhau", ông Ito Naoki nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận