Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã bước vào tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 từ ngày 12-7 năm nay. Tình trạng khẩn cấp bao trùm Tokyo và 18 tỉnh sắp được dỡ bỏ - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-9, tạp chí Nikkei Asia đưa tin từ ngày 30-9, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 tại thủ đô Tokyo và 18 tỉnh của nước này. Tình trạng khẩn cấp kết thúc nhờ công tác tiêm chủng và số lượng ca nhiễm mới giảm đi ở Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến đưa ra thông báo chính thức cụ thể hơn về việc kết thúc tình trạng khẩn cấp vào ngày 28-9, sau các cuộc thảo luận với hội đồng chuyên gia.
"Số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể", Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trước báo giới ngày 27-9.
Tuy nhiên, Thủ tướng Suga cho biết các biện pháp hạn chế áp dụng với nhà hàng sẽ cần được nới lỏng "dần dần, trong lúc duy trì mức độ thận trọng cao".
Cũng trong ngày 27-9, Chính phủ Nhật Bản cho biết kể từ ngày 1-10 tới, nước này sẽ giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày với hầu hết khách nhập cảnh đã tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19. Một số trường hợp đặc biệt có thể sẽ được cho phép tự cách ly tại nhà.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi động lại du lịch quốc tế.
"Khi tốc độ tiêm chủng tăng lên, Chính phủ Nhật Bản sẽ điều chỉnh các biện pháp hạn chế nhập cảnh theo các giai đoạn. Đây sẽ là lần điều chỉnh đầu tiên mà chúng tôi thực hiện", Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết tại cuộc họp báo ngày 27-9.
Với lần điều chỉnh đầu tiên này, Nhật Bản sẽ bắt đầu chấp nhận hộ chiếu vắc xin cấp bởi khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 31 nước ở châu Âu (Anh, Pháp, Đức...), 7 nước/vùng lãnh thổ ở châu Á (Singapore, Thái Lan...).
Indonesia chi 645 triệu USD để phục hồi ngành du lịch
Ngày 27-9, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani của Indonesia cho biết Chính phủ nước này sẽ phân bổ 9.200 tỉ rupiah (khoảng 645 triệu USD) từ ngân sách nhà nước năm 2022 để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.
Khoản ngân sách trên sẽ được dùng để phát triển ngành du lịch của nước này trên ba khía cạnh, gồm khả năng tiếp cận, điểm tham quan và tiện nghi, xúc tiến và sự tham gia của tư nhân.
Năm ngoái, Indonesia đã phân bổ 7.670 tỉ rupiah để phục hồi ngành du lịch và kinh tế sáng tạo.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia đã giảm 80% so với thời điểm trước đại dịch và cao hơn mức giảm 75% vào cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách du lịch trong nước cũng giảm gần 30% do chính phủ áp dụng một số biện pháp hạn chế đi lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận