02/08/2016 09:39 GMT+7

Nhật lo Trung Quốc lờ phán quyết của Tòa trọng tài

TẤN VŨ (từ Tokyo, Nhật Bản)
TẤN VŨ (từ Tokyo, Nhật Bản)

TTO - Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời tiến hành các biện pháp để giảm hiệu lực của phán quyết và để mọi thứ chìm vào quên lãng. Đó là lo lắng mà quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Người dân Philippines biểu tình ngày 12-7, ngày công bố phán quyết của Tòa trọng tài - Ảnh: Reuters
Người dân Philippines biểu tình ngày 12-7, ngày công bố phán quyết của Tòa trọng tài - Ảnh: Reuters

Trao đổi với Tuổi Trẻ trong chương trình “Xây dựng mạng lưới đa tầng” sáng 1-8, đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ lo ngại cho số phận của phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc mà Tòa trọng tài thường trực công bố ngày 12-7. Vị này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với đất nước mặt trời mọc.

Trung Quốc trở thành một quốc gia lớn là cơ hội cho Nhật Bản, tuy nhiên Nhật Bản muốn Trung Quốc phát triển trên một nền chính trị pháp trị và phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Ông NORIFUMI KONDO

Phải tuân thủ và thực thi pháp luật

Ông Norifumi Kondo, chuyên viên cao cấp phòng chính sách an ninh - Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 - UNCLOS (gọi tắt là Tòa trọng tài) có tính ràng buộc và các quốc gia liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, sau phán quyết, điều họ lo lắng không phải là Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trong các vấn đề tranh chấp hay dùng bạo lực với các nước khác. Về tầm nhìn ngắn hạn thì điều đó chưa thể xảy ra, nhưng họ sẽ có những toan tính làm giảm hiệu lực của phán quyết.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những việc họ đang làm và để dư luận quốc tế quên đi các quyết định mang tính pháp lý quan trọng như vậy. “Phía Trung Quốc luôn tìm cách giải thích các vấn đề luật pháp theo hướng có lợi cho mình. Vai trò của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế là chứng minh rằng việc giải thích luật pháp quốc tế như vậy là sai” - ông Norifumi Kondo khẳng định.

Ông Norifumi Kondo cũng cho hay Nhật Bản là đất nước ít tài nguyên, nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài và 80% lượng hàng hóa Nhật đi qua Biển Đông, nên rất lo lắng cho khu vực này. Nhật Bản muốn Biển Đông và Đông Nam Á phải ổn định để phát triển kinh tế. Đặc biệt, các phán quyết của Tòa trọng tài phải được các bên tuân thủ, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và thực thi nghiêm túc.

Kinh nghiệm sử dụng truyền thông

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng cũng giống Việt Nam, Nhật Bản đang có tranh chấp về chủ quyền với một số nước, trong đó đặc biệt là Trung Quốc (đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm gì trong việc hành xử với Trung Quốc trong vấn đề này? Nhật Bản sẽ kiện các vấn đề ra Tòa án quốc tế như Philippines hay không?... Ông Norifumi Kondo khẳng định Nhật Bản là quốc gia quản lý xuyên suốt quần đảo này từ lâu đời nên hoàn toàn không có việc tranh chấp với Trung Quốc.

“Phía Trung Quốc cũng có các lập luận của riêng họ về Senkaku/Điếu Ngư, tuy nhiên thay vì họ đưa ra các bằng chứng lịch sử pháp lý thì họ dùng sức mạnh “vật lý” để thay đổi hiện trạng. Cụ thể là việc Trung Quốc đưa các tàu ra giáp vùng lãnh hải của Nhật Bản với số lượng và tần suất ngày càng tăng” - ông Norifumi Kondo nói.

Quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết không những hải phận mà không phận của Nhật Bản cũng nằm trong tình trạng bị xâm phạm. Năm 2008, nếu không quân Nhật chỉ cất cánh 31 lần để bảo vệ lãnh hải trước sự xâm phạm của máy bay Trung Quốc thì năm 2014 con số này tăng vọt lên 464 lần.

Theo ông Norifumi Kondo, kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xử lý các vấn đề tranh chấp và các tình huống va chạm trên biển với các tàu nước ngoài trước hết là sử dụng truyền thông.

Ông cho hay vào năm 2008, khi Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư, báo chí Nhật Bản ngay lập tức đồng loạt đưa tin về sự kiện. Trong suốt nhiều ngày, truyền thông Nhật Bản liên tục duy trì lập trường và quan điểm nhất quán của chính phủ về vấn đề này. Thậm chí, Tokyo có hẳn các trang thông tin đối ngoại với 8 ngôn ngữ khác nhau để đưa thông tin chủ quyền ra thế giới.

Đầu tư giữ an ninh khu vực

Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định rằng nếu phải đưa các vấn đề biển đảo ra tòa án quốc tế thì chắc chắn phần thắng thuộc về Nhật Bản vì họ có đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử. Nhưng Nhật Bản lo lắng hơn về vấn đề an ninh ở Biển Đông, ASEAN và sẽ có chính sách tăng cường hỗ trợ các nước bao gồm: hỗ trợ ODA, xây dựng năng lực quốc phòng, công nghệ cho các quốc gia trong khu vực.

TẤN VŨ (từ Tokyo, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên