26/02/2020 12:09 GMT+7

Nhật ký Vũ Hán: Viết trong ngày rồng ngẩng đầu

CẢNH CHÁNH chuyển ngữ
CẢNH CHÁNH chuyển ngữ

TTO - Góc nhìn mới của nhà văn Trung Quốc Phương Phương về những phận người.

Nhật ký Vũ Hán: Viết trong ngày rồng ngẩng đầu - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng Vũ Hán thiết lập rào ngăn người vào một khu dân cư trong ngày 23-2 - Ảnh: AFP

Mùng 2 tháng 2 âm lịch là ngày rồng ngẩng đầu. Vụ canh tác mùa xuân đúng ra phải bắt đầu từ hôm nay. Nhưng không biết hôm nay ngoài đồng kia có nông dân nào đang canh tác hay không? Trời vẫn trong xanh, ấm áp, cảm giác như ánh mặt trời có thể giết chết những con virus.

Nhóm bạn Bắc Kinh gửi tin nhắn, hỏi thông báo số 18 của Bộ chỉ huy phòng chống dịch Vũ Hán là sao vậy? Một bạn khác trả lời, họ ra thông báo số 17. Sau đó phát hiện sai sót, nên ra thông báo số 18 để cải chính.

Đúng là chuyện xấu truyền ngàn dặm. Không lâu sau, trên mạng có vị giáo sư giải thích câu thành ngữ "Triều lệnh tịch cải" (sáng ban ra tối sửa đổi) giờ đã thành "Triều lệnh ngọ cải" (sáng ban ra trưa đã đổi). Ôi, trong khi mọi cặp mắt của người dân cả nước đang đổ dồn vào Vũ Hán, Vũ Hán lại liên tục mắc sai lầm, đúng là khiến mọi người đau đầu.

***

Các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cứu chữa nhưng tỉ lệ tử vong vẫn chưa giảm. Điều đó cho thấy căn bệnh này khi trở nặng sẽ rất khó chữa trị. Sống hay chết đều tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi con người. Không để bệnh nhân trở nặng, hiện đang làm rất tốt.

Nghe nói có những bệnh nhân vào bệnh viện dã chiến, khỏe rồi lại không muốn ra viện. Vì vào bệnh viện dã chiến rộng rãi, được ăn 3 bữa, múa hát, trò chuyện, chơi trò chơi, không thiếu người bầu bạn. Việc gì cũng có người lo, quan trọng nữa là miễn phí. Tốt hơn nhiều so với những người ở nhà buồn bã. Nói ra nghe có vẻ như chuyện phiếm.

***

Chiều nay, tôi có đọc bài viết của phóng viên tờ Tài Tân nói về người già ở các viện dưỡng lão. Thật ra cho dù không có dịch, những người già này cũng là những người dễ bị tổn thương nhất trong những người dễ bị tổn thương; họ là những người bị gạt ra xa nhất bên lề xã hội. Khi virus corona có thể đánh bại cả những người khỏe mạnh, thì tình cảnh các cụ già càng đáng lo đến thế nào.

Bài viết của phóng viên Tài Tân có đoạn: "Một số gia đình nhận được điện thoại từ viện dưỡng lão, thông báo một số người già phải đi cách ly. Nhưng đi đâu, có ai chăm sóc, có phù hợp tiêu chuẩn cách ly hay không, những người ở lại có bị lây nhiễm, có được chữa trị kịp thời, có thông báo kết quả xét nghiệm không? Viện có thông báo đúng tình hình thực tế không? Chính quyền có nên tăng cường nguồn lực, nhân viên hộ lý, y tế cho các viện dưỡng lão hay không?".

Người nhà các cụ đều như ngồi trên đống lửa chờ đợi câu trả lời. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu chính quyền đã tiếp nhận những người đó, sự việc đó, họ nhất định sẽ không vô tâm trước vấn đề của các cụ.

Nhưng điều tôi muốn nói là về "Thước đo đánh giá nền văn minh của một quốc gia".

Đánh giá sức mạnh một quốc gia không phải là xem có bao nhiêu nhà cao tầng, có tàu cao tốc nhanh đến mức nào; không phải là xem vũ khí, quân đội có hùng hậu, khoa học có phát triển, nghệ thuật có cao siêu, càng không phải là xem hội nghị tổ chức có long trọng, pháo hoa có lộng lẫy hay không; thậm chí cũng không phải là xem có bao nhiêu du khách ra nước ngoài đi mua sắm vét sạch toàn cầu.

Đánh giá một quốc gia chỉ có một con đường: đó chính là thái độ của quốc gia đó đối với những đối tượng dễ bị tổn thương.

Nhật ký Vũ Hán: Mòn mỏi chờ ngày ra ngoài Nhật ký Vũ Hán: Mòn mỏi chờ ngày ra ngoài

TTO - Đã tròn 1 tháng "phong thành" ở Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng chính quyền vẫn chưa gỡ lệnh, người dân đã không còn ngồi đếm từng ngày "phong thành" mà chỉ mong mau được ra ngoài. Nhật ký ngày 23-2 của nhà văn Phương Phương đã thể hiện điều đó.

CẢNH CHÁNH chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên