Hành trang đi cách ly
Ngày 11-7, một buổi sáng bận rộn như bao ngày, chúng tôi nhận thông tin một đồng nghiệp làm điều dưỡng cùng khoa test nhanh có phản ứng nghi nhiễm COVID-19.
Ngay lập tức "nội bất xuất, ngoại bất nhập", cơ chế phòng chống dịch được kích hoạt. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, khi có kết quả PCR chính thức xác nhận bạn điều dưỡng bị bệnh, mọi thứ trở nên nôn nao.
Không phải tôi hay đồng nghiệp sợ đi cách ly, mà quan trọng là chúng tôi đang trong thời gian chống dịch, mỗi ngày là một trận chiến thực sự, bây giờ sẽ phải tạm ngưng lại. Tôi lại là bác sĩ nội trú vừa làm vừa học, nên việc cách ly còn ảnh hưởng đến việc học tập nữa, nỗi lo lớn dần.
Ngày 12-7, tôi được trưởng khoa và các thầy giải thích rõ hơn việc đi cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế và phòng chống dịch. Cùng với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, mọi thứ cũng ổn định, tất cả sẵn sàng đi cách ly 14 ngày. Cả khoa tai mũi họng chúng tôi đi cách ly ở ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng với hành trang gọn nhẹ nhất có thể.
13-7, trên đường, chúng tôi mỗi người một suy nghĩ. Một chút buồn thoáng qua, chợt lời tếu táo của người đồng nghiệp làm mọi người thấy không khí khác hẳn: "Chúng ta ai cũng bị áp lực và mệt mỏi rất nhiều rồi. Hãy xem mấy ngày cách ly là quãng thời gian nghỉ ngơi để có sức quay về chống dịch tiếp".
14-7, tôi gọi Zalo về cho mẹ đang ở Đà Nẵng. Ông ngoại mất nên mẹ phải về chịu tang, buồn nhất là mẹ chỉ có thể về một mình chứ không có con cháu đi cùng. Lo hậu sự cho ông xong thì dịch bùng mạnh, nên mẹ mắc kẹt luôn ở quê. Lâu lắm rồi tôi không được ăn cơm mẹ nấu, chỉ nhìn thấy mẹ qua Zalo mà khóe mắt cứ cay cay.
Bữa cơm ở nơi mới cũng lạ lắm, tuy cơm không nóng sốt nhưng cứ luôn dặn lòng "có cơm ăn là tốt rồi, mùa dịch không đòi hỏi nhiều được". Ăn phần cơm hộp, tôi nhớ đến mấy suất ăn như mì, nước, đường, sữa, trái cây của mấy cô, dì, chú, bác ở địa phương mình làm gửi tặng. Đó là thứ tình cảm chân thành, là thứ mà tôi luôn trân quý, luôn giữ lại trong tim mình nhiều nhất.
Tối đến tôi hơi mệt. Vệ sinh cá nhân đầy đủ, tôi đeo khẩu trang, ngả lưng lên giường là ngủ không biết gì luôn. Thú thật với mọi người lâu lắm rồi mới được đi ngủ sớm mà không lo tiếng chuông báo thức, tiếng loa hay chuông báo động, cứ ngủ cho đã đi, giấc ngủ đến một cách an yên!
15-7, được mấy chị hỗ trợ đặt hàng, được bạn bè giúp đỡ nên kệ đồ nơi tôi cách ly hoành tránh đầy đủ lắm. Có đủ nước muối, nước súc miệng, kem đánh răng, khăn giấy, vitamin C, nước rửa tay, mì gói, sữa uống và cả đồ ăn vặt nữa. Nếu so sánh với một số khu cách ly tôi từng làm việc thì như vậy là hạnh phúc, là đủ đầy lắm rồi.
Thời gian ở đây trôi qua lâu hơn. Việc cần làm là tranh thủ học bài, tập thể dục một mình và không quên cập nhật thông tin nơi tuyến đầu của các đồng nghiệp bên ngoài qua mạng xã hội, báo đài, tin nhắn giữa các group của bệnh viện.
16-7, tôi viết những dòng này khi ngoài trời những tia nắng đang dần tắt. Một ngày cách ly trôi qua bằng việc hít đất, tập thể dục tại chỗ, đọc cuốn sách còn dở dang và thầm cầu nguyện những điều tốt đẹp.
Ngoài kia, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Chẳng ai nói trước được điều gì nhưng chắc chắn những người làm nghề y, những bác sĩ, tình nguyện viên sẽ luôn giữ nhiệt huyết, quyết tâm cùng nhân dân cả nước chiến thắng đại dịch. Nhật ký những ngày cách ly sẽ là khoảng thời gian không thể nào quên của một thời tuổi trẻ, của tuổi thanh xuân đã sống hết mình với lý tưởng, trọn vẹn như kim chỉ nam khi làm nghề: "Lương y như từ mẫu".
Báo Tuổi Trẻ mở mục Nhật ký trong khu cách ly, để đăng tải những câu chuyện, vấn đề và thông tin liên quan các khu cách ly phòng dịch COVID-19. Rất mong nhận được cộng tác của bạn đọc, nhất là các bạn đang có mặt trong khu cách ly.
Bài viết, hình ảnh, video xin gửi về: [email protected], đặt tiêu đề email: Nhật ký trong khu cách ly. Bạn đọc vui lòng cung cấp số điện thoại, thông tin tài khoản để toà soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Trân trọng cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận