Nhân viên y tế đến tận nhà phát phiếu để hướng dẫn người dân đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một con hẻm bị phong tỏa ở xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) Ảnh: DUYÊN PHAN
1. Nó là con một, ba mẹ hiếm muộn nên mãi mới có được, ở nhà nó được chiều chuộng hết mực. Ngày đi cách ly tập trung ở TP Thủ Đức, nó la hét, khóc lóc, phản ứng dữ dội khi đội ngũ y tế tiếp cận hỗ trợ, cảm giác như tận thế vậy.
2. Ở khu cách ly, khi ba mẹ gọi liên tục hỏi nó cần gì để tiếp tế, nó luôn miệng: "Con không ở đây, con muốn về nhà, con chết mất!". Nó khóc, than thở chỗ ở quá đông người, phòng ngủ không có máy lạnh, giường không có nệm lại có nhiều muỗi, cơm ăn thì sơ sài...
Nó không muốn bắt chuyện với bất kỳ ai và gần như không hé miệng với người cùng phòng. Tuần đầu tiên trôi qua trong chới với. Nó tức giận, nó chán ghét tất cả những gì quanh tầm mắt trong khu cách ly.
3. Tuần thứ hai cảm giác khó chịu vơi đi, nó bắt đầu quan sát và để tâm nhiều hơn đến xung quanh. Nó thấy hai bạn trẻ cùng phòng chăm sóc cho mấy cô chú lớn tuổi dù là người xa lạ, không có quan hệ gia đình gì hết.
Nó thấy phần cơm của mình luôn nóng sốt, có nhiều đồ ăn hơn, mọi người trong phòng luôn nhường nó trái cây tráng miệng, sữa chua. Nó nhận được nước trái cây từ một chị tình nguyện viên, chưa bao giờ nó uống được thứ nước gì ngon như vậy.
Nó thấy trời mưa hay nắng thì đội ngũ y tế vẫn tận tụy làm việc, vẫn mặc kín bưng đồ bảo hộ trên người; bộ đồ mà nhìn thôi đã biết rất là nóng nực, khó chịu lắm. Nó thấy nhiều bạn sinh viên làm tình nguyện viên quên đi rủi ro để tận tình chăm sóc những ca bệnh nặng, lau chùi, dọn rửa rất cực.
Có những rung động khác lại nảy nở trong lòng nó, cảm giác được yêu thương và cả những nỗi buồn man mác của nó về cách ứng xử thời gian qua.
4. Nó nói chuyện với mọi người trong phòng nhiều hơn, rồi cùng đi lấy cơm chia cho các phòng, tham gia dọn dẹp hộp cơm, bịch nilông, rác rến sau mỗi bữa ăn. Nó hướng dẫn người mới vào phòng, ngày đầu tiên luôn gây sốc, nó đã trải nghiệm và nó chia sẻ kinh nghiệm đó.
Nó cảm thấy ba mẹ vui lên rõ rệt khi nói chuyện qua điện thoại khi nó khoe những thứ mình làm ở đây, cảm giác ba mẹ rất tự hào vì nó làm được những điều có lẽ là không tưởng đó.
5. Nó là F0 không triệu chứng, khỏe mạnh hơn nhiều người xung quanh, nó cảm thấy may mắn. Nó nghĩ ba mẹ chăm sóc nó kỹ nên sức khỏe nó tốt và cũng nhờ vào sự quan tâm, động viên trong ăn uống, sinh hoạt của mọi người ở nơi cách ly. Nó tuân thủ việc điều trị, hợp tác với mọi chỉ dẫn, quy tắc ở một nơi cách ly.
Chính cái nơi tập trung đông người không quen biết nhau, hoàn cảnh mỗi người cũng rất khác biệt lại có những điểm sáng lay động trái tim của nó. Có gì đó thay đổi rất lớn rồi, công chúa nhỏ không còn bé bỏng mà đã trưởng thành lên nhiều hơn những gì ba mẹ mong mỏi.
6. Một buổi sáng cuối tuần, nó được "thết đãi" một bữa sáng rất ngon là bánh mì ăn với xíu mại nóng, món yêu thích mà lâu lắm rồi chưa được ăn lại. Nó còn được "share" một tách cà phê sữa nóng từ một anh cùng phòng, người đã chăm sóc nó rất kỹ từ ngày đầu tiên.
Những ngày cách ly ở đây đối với ai cũng là rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, không ai giống nhau, nhưng tất cả đều được đối đãi rất công bằng, giàu tình cảm.
Nó muốn kể lại câu chuyện của mình đến mọi người với lời cảm ơn những người xa lạ cùng hoàn cảnh, đội ngũ y bác sĩ, những tình nguyện viên. Mọi người thật sự rất tốt, đùm bọc nó, không ghét bỏ cái ương bướng của nó, nó học được nhiều bài học rồi.
Hết dịch nó muốn được làm thiện nguyện, nó của ngày hôm qua đã khác rồi. Xin cảm ơn tất cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận