Ở đó, họ ghi lại những khoảnh khắc tươi sáng hay trăn trở trong đời sống thành phố, những nhịp đời, những lát cắt phận người. Trên giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012 này, chúng tôi giới thiệu những ký ức xuân thành phố của độc giả Tuổi Trẻ trong và ngoài nước.
Phóng to |
Ảnh: Hoàng Thạch vân |
Cuối năm ở một bến xe buýt
Trời lạnh dần. Đêm xuống rất nhanh, mới bảy giờ trời đã tắt hẳn ánh sáng. Tôi đứng đợi xe buýt ở góc đường. Gió thổi vào gáy ập lên da cái lạnh rùng mình. Trong màn đêm, tôi thấy một người phụ nữ tiến về mình. Người này có nét tiều tụy trên mặt giống mẹ tôi. Không quen biết, giữa xứ người, nhưng chắc đoán qua gương mặt tôi, bà mở lời bằng tiếng Việt:
- Bác đợi xe nãy giờ 20 phút rồi cháu ơi. Chắc phải 10 phút nữa xe mới tới.
Tôi mỉm cười gật đầu. Bà tiếp lời than phiền về việc vừa đi khám bệnh về lại phải đợi xe buýt quá lâu. Rồi bà mau chóng kết luận: “Bởi vậy, bác ghét ở đây lắm”. Không đợi tôi hưởng ứng, bà nói tiếp: “Bác chỉ muốn về Việt Nam ở thôi. Người ta bảo về Việt Nam thì khó khăn. Bác bảo khó khăn mình cũng sống được, còn hơn ở đây buồn lắm”. Rồi bà buột miệng hỏi tôi: “Tết này cháu có về Việt Nam không?”, nhưng tôi chưa kịp trả lời bà đã kể sang chuyện có người bạn sống ở Mỹ đã lâu, bị bệnh mà không chữa được vì không có bảo hiểm, về Việt Nam chữa trị lại lành ngay, bây giờ thậm chí còn khỏe hơn hồi trước. “Cũng phải thôi, bác nói cháu nghe, chính cái về ấy làm mình vui. Vui thì khỏe lắm cháu ạ”.
Ngần ngừ một lúc, tôi hỏi: “Sao sống ở đây bác lại không vui?”.
“Ừ thì ở đây cái gì bác cũng có. Nhưng bác biết nói chuyện với ai? Hôm nay gặp cháu ở đây mới huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác như vậy, cháu nghe có chán không?”.
Phóng to |
Minh họa: VŨ ĐÌNH GIANG |
Tôi lại cười trừ, lắc đầu. Bà tiếp: “Cháu còn trẻ, còn tương lai phía trước, sang đây học hành sau này giúp đời là đúng rồi. Còn bác già rồi, bác chỉ muốn về Việt Nam sống thôi, ở đây cô đơn lắm, chẳng có cái gì cho mình trông đợi”.
Trong đêm đông giữa lòng một thành phố nhộn nhịp, tôi bỗng thấy mình lạc giữa câu chuyện của một người đồng hương xa lạ.
Người phụ nữ ấy nói tôi còn tuổi trẻ, còn tương lai. Thật ra tôi nghĩ bà và tôi cũng chẳng khác gì nhau. Chỉ có khoảng cách thế hệ đặt bà và tôi ở những vị phận khác nhau ở nơi xa xôi này. Còn khi cởi bỏ lớp áo tuổi tác ra, dường như tôi cũng như bà, cũng cảm thấy lạc lõng những chiều cuối năm này, không biết mình thuộc về đâu.
Bà làm tôi nhớ mẹ. Đã ba năm tôi không đón Tết ở Việt Nam. Mẹ hay hỏi tôi những câu đại loại như: “Sắp Tết rồi, con nhớ cái gì nhất ở Việt Nam?”. Tôi thành thật: “Con nhớ đủ thứ mà sao như không nhớ gì”. Thật ra thì đâu đó trong tôi vẫn nhạt nhòa một góc đường xao xác chiều cuối năm, một mùi hương trộn lẫn của vạn thọ và huệ mẹ luôn chưng trên bàn thờ tổ tiên mỗi Tết. Nhưng thật khó để nói nó là nỗi nhớ.
Mẹ đã qua hơn nửa đời người, giờ sống xa con gái nửa vòng Trái đất, một mùa xuân nữa sắp sang mẹ có trông đợi gì không? Ngay cả tôi, một phần hi vọng của mẹ, cũng trôi dần về một phía khác. Phía mà ngày ngày tôi đến giảng đường, kiếm tìm tri thức. Phía mà mẹ tôi sợ sẽ nuốt trôi đứa con gái duy nhất của bà, khiến nó trở nên hờ hững dửng dưng với nơi chốn nó sinh ra.
Tôi chưa tròn 20 tuổi, đời còn rất dài, tuổi còn rất trẻ.
Những người bạn cùng thế hệ với tôi cũng đang đi tìm tương lai cho mình, hì hục dưỡng nuôi hi vọng. Chúng tôi bay đến những chân trời mới, hòa mình vào những nền văn hóa mới, trầm trồ trước những sắc màu. Dần dà chúng tôi cách xa cội nguồn khi nào không hay. Chúng tôi bắt đầu nói tiếng Việt lơ lớ, chêm những từ nước ngoài vào một câu xã giao thông thường.
Nhưng 20 hay 30 năm nữa liệu chúng tôi có còn như thế, tôi không biết...
Biết đâu khi cuộc đời mình bắt đầu rơi về sau lưng, chúng tôi sẽ nhìn về nguồn cội với con mắt khác chăng?
Tôi không biết.
Nhưng ít nhất sau cuộc trò chuyện hôm nay, tôi biết.
Nếu sau này mẹ còn hỏi sắp Tết rồi, con nhớ gì nhất ở Việt Nam, tôi sẽ nói: Con nhớ nhất mẹ thôi.
Mê đắm tầm xuân
Phóng to |
Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG |
Những ngày giáp Tết, phổ cổ Hà Nội ngập tràn sắc hoa. Dòng người hối hả đi mua sắm, ken chật phố phường. Chơi hoa là một thú ngàn đời truyền tụng, tuy rằng mỗi nhà mỗi kiểu để sống cùng hoa xuân.
Con phố vắt qua chợ Đồng Xuân một sáng, bà cụ còng lưng vác máy ảnh kỹ thuật số. Cụ chen vào giữa già trẻ, trai gái để làm một việc duy nhất: ngắm và chụp ảnh tầm xuân. Búi tóc trễ nải ở sau đầu cụ như một con chim én chớm đậu. Tóc thì bạc gần hết, nhưng cái đam mê dáng dấp nghệ sĩ thì khỏi chê vào đâu được. Bằng chứng là cụ sành đến từng góc chụp, cách ngắm khuôn hình và liên tiếp “tách, tách”.
Nhiều người dõi theo cử chỉ của cụ. Một dung nhan đã gần chín chục đang ghi lại từng khoảnh khắc tầm xuân trong làn mưa bụi bay bay. Rét, bàn tay nhăn nheo cứ run, hoa tầm xuân cứ chúm chím, những tấm ảnh được lưu lại trong thẻ nhớ. Không biết có tấm hình nào nhòe đi trong run rẩy sáng nay không?
Mắt của cụ bà còn tinh, vì nếu không tinh thì cụ làm sao ghé sát ống kính vào chỗ có giọt mưa xuân đọng trên nụ tầm xuân được. Cô bán hàng hoa nâng niu niềm vui của người già bằng cách giữ yên cả bó tầm xuân cho cụ mặc sức tìm kiếm vẻ đẹp.
Duyên cớ gì dẫn lối cụ đi tìm tầm xuân giữa hàng vạn hoa Tết? Không ai biết được điều đó. Chợt nghe câu ca dao xưa thoáng gợi một điều như là… tình lỡ: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em lấy chồng anh tiếc lắm thay”.
Áo bông chần dáng lụa Hà Đông của cụ đã dính mưa xuân. Hình như không để ý, cụ lại nhích từng bước chân với tầm xuân giăng mắc phố...
Chị bán bưởi đường
Phóng to |
Minh họa: LÊ THIẾT CƯƠNG |
Khu tập thể chỗ nhà tôi ở cách chợ lớn của quận không xa. Từ năm, sáu giờ sáng, nông dân ở mấy huyện ngoại thành hăm hở chở nông sản về bán tràn trong chợ.
Từ hai mươi bảy Tết mấy năm nay, năm nào tôi cũng gặp chị với gánh bưởi đầy ắp, ngồi khiêm nhường bên cột đèn trong góc chợ. Trong một rừng nông sản, với cả chục gánh bưởi căng mẩy rộm vàng kèm lá cành xanh mướt, gánh bưởi của chị lẻ loi với những quả bưởi ươm vàng xen lẫn đốm nâu, vệt ố. Suốt cả năm mới có vài ngày Tết, ai cũng muốn mua thứ hoa quả ngon nhất và đẹp nhất về bày. Thế nên ngang gánh hàng của chị, ai cũng liếc nhìn rồi cất bước đi luôn.
Ngày 30, chợ Tết sắp tan. Tôi trở về với hai giỏ nhựa đựng đầy hoa quả. Nặng chóng mặt, tôi đặt giỏ và nghỉ chân bên cạnh cột đèn, thấy gánh bưởi của chị còn nguyên như ban sáng. Tiếng chị thở than với người bán trầu bên cạnh: “Không biết người khách quen của tôi năm nay đi đâu mà tới giờ vẫn chưa qua mua giúp tôi chục quả! Không bán xong được gánh bưởi này, chắc tôi phải đổ rẻ cho mấy mối buôn. Tiền thu về chắc không đủ mua cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới!”.
Cám cảnh với lời than của chị, tôi hỏi thăm: “Bưởi nhà chị là giống bưởi chi?”. Chị như cởi tấm lòng, ngẩng lên đáp vội: “Bưởi nhà chị là giống bưởi đường rất ráo tôm, ngọt nước. Em mua giùm chị vài quả đi. Chị mời em nếm thử múi bưởi chị vừa bổ ra đây”. Nói rồi chị chìa ra cho tôi múi bưởi. Tôi ngần ngừ: “Sao bưởi của chị bị vệt ố, đốm nâu…?”. Chị cười buồn: “Chị không biết cách khiến da bưởi óng vàng bóng bẩy. Nhưng em cứ nếm thử bưởi đi, nếu thấy ngon thì mua giùm chị. Không bày thờ thì em để ra giêng ăn dần cũng được”. Nếm thử múi bưởi chị đưa và khi biết bưởi cũng khá ngon, tôi nhận lời mua giúp chị chục quả. Thấy tôi đã nặng tay, chị vui vẻ gánh hàng theo tôi về tới tận cửa nhà.
Lúc nhận tiền, tay chị cứ run run, đôi mắt ánh lên niềm cảm ơn sâu sắc. Nhưng mà kia, dáng chị gánh số bưởi còn lại đi về vẫn trĩu nặng lo toan. Tôi chợt nhớ đến chậu phong lan xa xỉ, chiều 30 năm nào gia đình tôi cũng cố sắm cho kỳ được. Hay là Tết năm nay gia đình tôi sẽ ngắm bớt đi vài nhành lan? Tôi chạy ù ra cửa gọi với theo chị bán bưởi đường…
Ngày Tết, đống bưởi trong góc bếp tỏa ra khắp nhà tôi một mùi hương dịu dàng thơm ngát.
“Bâng khuâng chiều 30”
Phóng to |
Minh họa: VŨ ĐÌNH GIANG |
Gọi điện cho Đức “gà tồ”, nghe cười hề hề mới biết giờ này hắn vẫn còn ở công trường, có khả năng là không kịp về thành phố để “bâng khuâng chiều 30” (*). “Vả chăng, khu đó đang giải tỏa để làm xa lộ vành đai rồi mà, anh Hai?”.
“Bâng khuâng chiều 30” là kịch bản do Đức đặt ra và thực hiện suốt nhiều năm nay, từ thuở ở Sài Gòn xe đạp còn nhiều hơn xe máy gấp mấy lần. Tôi buộc hắn phải nhìn nhận rằng bây giờ là mùa xuân, vì phía bên kia lề đường Nguyễn Kiệm, tiểu thương và mối lái hối hả giao nhận hàng ngàn giỏ cúc, vạn thọ, mồng gà, mâm xôi… chưa kể lũ lượt khách lựa mua từng cặp chậu, giỏ hoa về chơi Tết. Nhưng Đức vẫn cười hề hề thật đểu mà chẳng trả lời vì đối với hắn, đơn giản lúc ấy là chiều 30, là cuối năm, và cái “bâng khuâng” kia sẽ vĩnh viễn là một nghi thức không thể thiếu.
“Anh Hai nghĩ coi - Đức nhấp một ngụm cà phê kho nguội ngắt - Mình quần quật đầu tắt mặt tối suốt cả năm, không có thời gian để mà thở, đến giờ này mình phải làm gì đó để bù trừ chứ?”. Và lý luận bù trừ của hắn là: mọi người cho dù giàu hay nghèo gì thì ngày cuối năm cũng nặng lòng với nghĩa vụ mua sắm, càng gần về chiều 30 lại càng tất bật. Cứ như vậy hằng năm khi xế trưa, khi nắng đã bớt gắt, Đức thả bộ ra ngã ba Chú Ía, kéo cái ghế gỗ không thể nào ọp ẹp hơn của quán cóc bụi đời, tựa lưng vào bức tường loang, thơ thẩn ngắm “ông đi qua bà đi lại, lo toan sắm Tết”.
“Mình nhà nghèo mà lại đơn thân, không có gì để lo cả, hoàn toàn thư thái”, và đó là khoảng thời gian mà Đức cho là chất lượng nhất của năm. Lưng dựa hờ hững vào tường, trên đầu là tán lá trúc xanh xám bụi, xoay xoay trong tay cái “xây chừng” nhạt thếch, hắn thực hiện nghi thức thường niên. Khi nói mỗi năm xài sang một lần là hắn nói cái khoảng “bâng khuâng chiều 30” này. Nhìn thiên hạ ngược xuôi vội vã, nắng càng tà họ lại càng dáo dác. Ai cũng bưng bê cầm nắm vật gì đó trên đường về nhà. Chỉ riêng hai gã không chốn để về thì rất nhẩn nha sang trọng.
Mỗi năm, khu dân cư nghèo này chờ Tết để sống được một mùa no đủ. Bà Tám “nhang đèn” bán ba mớ giấy tiền vàng bạc, bao lì xì. Nhiều người nhờ ông Bảy Tửng quét lại tường vôi, còn bà Bảy bán mão hết lá của chục cây chuối. Bà đang chăm chỉ hứng thú lột vỏ một trái quýt giập của khách qua đường làm rớt lại. Mùi hương Tết này thật đặc trưng, thanh thanh dìu dịu, thật nồng nàn bâng khuâng, mà nếu không khéo sẽ làm ta cay mắt.
Đức “gà tồ” đã đứng lên, lững thững bước xàng xê lẩn vào dòng người chấp chới. Tôi chưa kịp hỏi xem đêm ấy hắn sẽ ở đâu thì đám bụi đường đã che mờ lưng áo kaki chằng đụp.
(*): Lời trong bài hát Đi qua vùng cỏ non của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận