Có nhiều kỷ niệm lôi kéo tôi về Leipzig mỗi bận đi châu Âu. Đó là địa danh đầu tiên khi tôi ra khỏi biên giới quê hương, khởi đầu cho một cuộc đời thứ hai nếu tin lời Karl Marx khuyên con gái rằng mỗi ngoại ngữ là một cuộc đời mới, và vì ở đây có một điểm lôi cuốn độc nhất vô nhị: hội chợ sách. Thanh niên hóa trang theo nhân vật yêu thích trong sách - Ảnh: wikipedia Sẽ có người cãi ... là Hội chợ sách Frankfurt quy mô hơn nhiều. Vâng, chính vì nó lớn mà tôi không ưa! Cũng vì nó là nơi gặp gỡ của các nhà buôn sách để ký kết các loại hợp đồng, đi đâu cũng chạm trán khách chuyên môn trong bộ đồ lớn xám lông chuột và mặt mũi đăm chiêu tính toán. Vậy nếu bạn cũng như tôi, một người yêu sách, ưa lượn lờ tìm đầu sách hoặc tác giả yêu quý của mình trong không khí gia đình ấm cúng và may mắn thì nhặt thêm vài bản quyền nho nhỏ cho giới xuất bản ở nhà thì nên hướng đến Leipzig. Angelika D., cô thực tập sinh tại nhà xuất bản sách thiếu nhi Leipzig “leiv”, tóc vàng như thiên thần và cao hơn tôi nửa đầu, tình nguyện dẫn tôi đi. Ngay từ thời CHDC Đức, thành phố này đã là thành phố của hội chợ quốc tế về nhiều chủ đề, nhưng lịch sử hội chợ sách của Leipzig bắt đầu từ tận thế kỷ 17, và chỉ từ năm 1945 nó mới phải khiêm tốn lui xuống vị trí số 2 để nhường chỗ cho Frankfurt. Chiến tranh lạnh có giá của nó: Hội chợ Leipzig không chỉ là nơi giới thiệu sách, mà còn đảm đương vị trí “hàn thử biểu chính sách văn hóa” treo giữa hai nhà nước cùng thứ tiếng mẹ đẻ song lại ở hai bên lằn ranh chính trị. Đối với bọn sinh viên chúng tôi, điều gây sửng sốt nhất không là biển sách mênh mông, mà chứng kiến rất nhiều nhà xuất bản Đông Đức chỉ bày bìa sách trên giá: nền kinh tế có kế hoạch bắt đầu phân phối quota giấy in trong tháng 4, mà hội chợ thì diễn ra vào mùa xuân! Leipzig mới có 1.000 năm tuổi Cả thế giới biết thợ kim hoàn Johannes Gutenberg là người Đức chế ra máy in bằng con chữ kim loại. Thế kỷ 9 dù đã nhắc đến cuốn Kim Cương Bát Nhã kinh in bản khắc gỗ ở Trung Hoa, song để in đại trà bằng máy thì phát minh của Gutenberg mới là cuộc cách mạng. Mục lục cho thấy ở hội chợ có trưng bày một máy in rất cổ của Gutenberg, in các tấm thiếp nho nhỏ làm kỷ vật, nhưng tôi không có thời gian lùng sục giữa 2.300 nhà xuất bản từ hơn 40 nước. Leipzig có cả một đại học đồ họa và nghệ thuật sách ở gần xưởng in ngày xưa, nơi cuốn sách đầu tiên được in hồi năm 1481. Tác phẩm Glosa sup Apocalipsim cũng là khởi đầu huy hoàng cho kinh đô sách có tầm thế giới. Tác giả của Glosa là Annius von Viterbo, một thầy tu dòng Đa Minh, và trong sách ông không tiếc lời mạt sát người Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn chiếu mọi lời rủa xả từ sách Tân Ước. Mãi về sau mới phát hiện thầy tu này là một tay bốc phét và xuyên tạc lịch sử hạng thượng thừa. Nhưng sự kiện năm 1481 ít nhất là có thật. Trước đó người ta chỉ biết đến sách chép tay. Sáu thế kỷ sau ... dĩ nhiên là mọi so sánh đều khập khiễng, khi được lặn ngụp trong một bể sách thơm phức mùi mực in, giữa đám trai thanh gái lịch và các gia đình tung tăng dẫn trẻ con đến đọc. Cứ vài bước lại va phải một không gian được ngăn sơ sài bởi các tấm vách, trong đó là các tác giả đọc và giao lưu với độc giả về cả trăm chủ đề, từ thần học đến sách nấu ăn, manga và triết, sách dạy kiếm tiền và ngôn tình... Tổng cộng có khoảng 1.800 cuộc họp mặt dạng đó trong vòng năm ngày. Người ta cũng cẩn thận bố trí nhiều góc trông trẻ nhỏ để cha mẹ rảnh rang ngó nghiêng. Nhưng trẻ con không bị “cai quản” ở đây, mà được mấy cô bảo mẫu xinh đẹp cho làm quen với sách phù hợp lứa tuổi, từ sách giáo dục giới tính đến comic hay những quyển in sặc sỡ bằng nhựa để cắn cho đỡ ngứa răng hoặc chơi trong bồn tắm! Hầu hết các góc phòng đều bố trí nhiều cụm ghế sofa để đọc sách, riêng trẻ con có những cái gối khổng lồ nhồi hạt rất êm đặt trên nền thảm để nằm, song chỉ thấy toàn người lớn nằm ưỡn ẹo xem sách rồi... ngủ khò khò. Tôi bắt chuyện với lũ choai choai có thú vui đặc biệt không đâu tìm ra bên ngoài Hội chợ Leipzig: hóa trang thành hoàng tử, công chúa, ác quỷ hoặc các nhân vật yêu mến trong manga Nhật và vác đao kiếm đi lại. Lắc đầu ngán ngẩm, chợt thấy mình đã già. Đọc mệt thì ăn ngủ tại chỗ - Ảnh: Lê Quang Gặp lại bạn bè ... mới thấy thế giới không chỉ phẳng mà còn bé nhỏ. Benjamin P., tác giả cuốn Sống từng ngày đã được dịch sang tiếng Việt và lên màn bạc, tái xuất với Cẩm nang Đông Dương, thuộc loạt sách hướng dẫn du lịch do những tay bút gạo cội thông thạo địa phương viết, chứ không chỉ tán nhăng cuội về bún chả Hàng Mành hay bánh tráng Trảng Bàng. Tôi đã gặp anh ở Việt Nam hai lần sau khi anh cưới cô vợ người Campuchia và mối cho anh gặp ông Hai Lúa để phỏng vấn vụ chế tạo trực thăng. Những buổi giao lưu với tác giả đông nghịt, vậy mà nhìn kỹ là thấy vài khuôn mặt quen quen từ nhiều quỹ văn hóa. Các tập đoàn lớn ở Đức có truyền thống lập quỹ văn hóa, hằng năm bỏ tiền mua tác phẩm trưng bày hay cấp học bổng cho nghệ sĩ lưu trú sáng tác, kể cả kinh phí để dịch văn học nước ngoài. Vài năm nay họ đặt trọng tâm vào các ngôn ngữ Đông Âu, nhưng tôi vẫn gặp nhiều dịch giả người Trung Quốc, Thái Lan, Brazil... la cà ở đây. Ngồi lại với nhau mới thấy cùng chung mối lo là sách điện tử và sách thu âm đang có vẻ thắng thế. Nhìn phòng sách e-book và phòng dành riêng tư vấn cho các blogger tự xuất bản - to bằng nửa cái sân vận động - mới thấy ngậm ngùi, tại sao thị trường sách nước nhà vẫn còn tụt xa đằng sau trào lưu thế giới, quanh quẩn vẫn Tân Di Ổ, Mị Mị Miêu, Minh Hiểu Khê với dòng ngôn tình sướt mướt. Về thị hiếu thì không nên tranh cãi thấp cao, mỗi người đọc được phép khoái lạc theo cách riêng, nhưng nếu đó là xu hướng áp đảo về doanh số thì kể cũng khá buồn cho làng xuất bản. Angelika giục tôi bớt la cà để gặp các đơn vị buôn bán bản quyền mà cô đã hẹn gặp cho tôi từ tuần trước. Quên sao được. Đó cũng là mục đích chính ở hội chợ mà tôi dành hẳn một ngày đeo đuổi. Bản quyền vốn là một đề tài nhạy cảm, không chỉ đặc biệt ở đất ta từ ngày Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo vệ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tình trạng vi phạm bản quyền ở châu Âu chắc không trầm trọng lắm nhưng không phải không có. Một phần cũng vì giá bản quyền khá nặng. Đối với Việt Nam thì có nhiều đường lắt léo đến với bản quyền. Nghề đại diện văn học và buôn bán bản quyền ... không có ở Việt Nam, mà các đơn vị sở hữu bản quyền (có khi là bản thân tác giả, nhưng chủ yếu họ đã bán quyền đó cho một nhà xuất bản hoặc có đại diện riêng) thì không làm việc với cá nhân. Tôi may mắn đăng ký sớm ở nước ngoài một dịch vụ đại diện văn học nên cũng tiện giao dịch. Thời buổi này, giao dịch chủ yếu qua email, đưa được cuốn nào vào tầm ngắm thì viết thư hỏi giá. Nhiều cuốn tốn mấy chục email mà không xong. Có nơi họ nói ngay rất xẵng, ở đây không có bản quyền dưới 500 euro, đừng gõ cửa vô ích. Lại phải ỉ eo mặc cả. Nào là ối giời ơi, thị trường sách ở đây có cạnh tranh với châu Âu đâu mà ngại, nào là mỗi cuốn in ra có 2.000 bản, nào là giá bìa chỉ có 75.000 đồng (chưa đầy 3 euro) thì tỉ trọng bản quyền quá lớn... Khó quá thì mò ra địa chỉ tác giả, gãi đúng chỗ ngứa là chính họ cũng muốn có một danh sách dài dài các ngôn ngữ dịch cho con đẻ tinh thần, nhờ họ nói khó với đơn vị sở hữu bản quyền. Thôi thì trăm đường vất vả. Nịnh nọt, dằn dỗi, khi cần thì hăm dọa là nếu không mua được thì có khả năng (không phải chúng tôi, mà một số nơi kém đứng đắn) in lậu! Vừa lèo nhèo vừa nghĩ đến đoạn có thể bị đầu nậu cướp công nên cũng mất khí thế. Ấy thế mà rồi cũng đâu vào đấy cả. Nhưng gặp nhau một lần rồi thì mọi chuyện té ra đơn giản đi nhiều. Ở hội chợ thường là các nhân viên giao dịch bản quyền dễ tính hơn, cũng có thể họ được phép du di giá cả để “làm hàng”. Nhớ gõ cửa vào gần giờ nghỉ trưa hoặc trước bữa xế, mời các cô các bà - không rõ vì sao ở ban bệ này toàn phụ nữ, và đa số là gốc nước ngoài, có lẽ vì họ giỏi nhiều ngôn ngữ song song - đi uống cà phê rồi mới đi vào đàm phán, đề nghị giá rẻ. Chẳng may vớ phải đối tác râu ria bẳn tính thì đẩy Angelika ra đỡ đạn. Không thành công mới lạ. Xong chuyện, về quầy, còn được tặng một túi tác phẩm mới. Đi hội chợ mệt phết. Nhưng sướng. Tags: Hội chợ sáchSách dịchTác quyềnCạnh tranh bản quyền sách
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.