Phóng to |
Nhà văn Bích Ngân, đại diện NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, giới thiệu quy trình tổ chức bản thảo quyển Nhật ký Lê Anh Xuân - Ảnh: L.Điền |
Buổi họp mặt có sự tham gia của đại diện ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, bà Ca Lê Hồng (đại diện gia đình), nhà báo Đinh Phong - một người bạn chiếu đấu của Lê Anh Xuân...
Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh năm 1940 tại Bến Tre, năm 1954 theo gia đình tập kết ra Bắc, tốt nghiệp khoa sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Được giữ lại trường giảng dạy, rồi được cử đi học tại Liên Xô, nhưng Lê Anh Xuân tình nguyện trở lại quê hương miền Nam (cuối năm 1964). Ngày 24-5-1968 Lê Anh Xuân hi sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi (Cần Đước, Long An). Cuốn sách gồm hai phần: Nhật ký Lê Anh Xuân (phần 1), Một số hình ảnh, bút tích và bài viết về Lê Anh Xuân (phần 2). Những trang nhật ký được khởi viết từ ngày 22-12-1964 khi chàng trai trẻ Ca Lê Hiến ra ga Phú Thọ bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Giữa những dòng ghi chép ngắn gọn là những bản nháp thơ, những lưu ý cho sáng tác sắp tới. Đọc nhật ký Lê Anh Xuân, ngoài những ghi chép về diễn biến sự kiện còn thấy những gom nhặt tri thức trong đời sống ngày thường. Tác giả không chỉ có ý thức chiến đấu, sáng tạo, mà còn luôn ý thức sống như một người tử tế. Giữa chiến tranh nhưng mỗi ngày Lê Anh Xuân vẫn gắng dành hai giờ để học ngoại ngữ Anh, Pháp và trong nhật ký thỉnh thoảng lại có những câu thơ dịch.
Rất nhiều trang nhật ký của Lê Anh Xuân khiến người đọc xúc động trước một tâm hồn trẻ trung, trong sáng và chung thủy. Nhưng trang nhật ký cuối cùng của Lê Anh Xuân lại do nhà văn Lê Văn Thảo viết: Hôm nay là ngày Hiến hi sinh. Khoảng trưa. Hiến không còn nữa. Hiến chết dưới HBM (hầm bí mật)... Đó là trang nhật ký ghi ngày 24-5-1968.
Lần đầu tiên được xuất bản một cách đầy đủ, nhật ký của Lê Anh Xuân cùng những bài viết về ông sẽ giúp bạn đọc hiểu nhiều hơn về những khía cạnh đời thường, cùng những liên tưởng sáng tạo của tác giả Dáng đứng Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận