27/08/2012 17:45 GMT+7

Nhật không cho quan chức Tokyo lên đảo tranh chấp

NGUYÊN PHẠM (Theo Reuters)
NGUYÊN PHẠM (Theo Reuters)

TTO - Trong một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản ngày 27-8 đã từ chối yêu cầu được lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư của các quan chức Tokyo.

xZEmxyyu.jpgPhóng to
Các nhà hoạt động Trung Quốc đã có mặt trên đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi giữa tháng 8 vừa qua - Ảnh: AFP

“Chính phủ đã đi đến kết luận về việc không cho phép quan chức Tokyo đặt chân lên đảo vì sự hòa bình, ổn định của Senkaku”, một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho hay.

Hồi tháng 4 năm nay, Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara đã đề xuất mua lại quần đảo từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật Bản, đồng thời xin phép chính quyền trung ương được gửi một đoàn cán bộ đến Senkaku để đo đạc đất tại đây.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda sau đó đề nghị chính phủ mua lại những hòn đảo hiện đang được cho thuê này thay vì chính quyền địa phương Tokyo. Tất nhiên cả hai kế hoạch trên đều khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Tranh chấp chủ quyền tại Senkaku hay Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, vốn giàu nguồn tài nguyên sinh vật biển và năng lượng khí đốt, đã xuất hiện từ lâu nhưng mới bùng phát hồi giữa tháng 8 vừa qua khi các nhà hoạt động Trung Quốc khởi hành từ Hong Kong đến quần đảo đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bắt giữ.

Nhật sau đó đã thả các nhà hoạt động mà không hề buộc tội họ nhằm xoa dịu tình hình. Tuy nhiên căng thẳng lại nổ ra vài ngày sau khi một nhóm công dân Nhật cắm cờ trên Senkaku/Điếu Ngư. Sự kiện trên khiến hàng ngàn người Trung Quốc đổ xuống đường để tham gia các cuộc biểu tình chống lại Nhật mà theo giới truyền thông đánh giá là lớn nhất trong vài năm trở lại đây.

Hiện tại, ngoài Trung Quốc, Nhật còn vướng vào một vụ tranh chấp khác trên quần đảo Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc.

Trong một động thái khác, ngày 24-8, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua 2 nghị quyết phản đối “sự chiếm đóng bất hợp pháp” của Trung Quốc và Hàn Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Takeshima/Dokdo.

Hãng thông tấn Reuters nhận định mặc dù có sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế nhưng những tranh chấp về chủ quyền lãnh hải trên cho thấy sự thất bại giữa ba cường quốc (Trung - Nhật - Hàn) trong việc giải quyết sự khác biệt sau gần bảy thập kỷ kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

NGUYÊN PHẠM (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên