20/05/2017 07:04 GMT+7

Nhật hoàng sẽ được thoái vị

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Chính phủ Nhật đã phê chuẩn dự luật chỉ dùng một lần cho phép Nhật hoàng Akihito được thoái vị vì lý do tuổi già sức yếu.

Nhật hoàng Akihito (trái) và hoàng hậu Michiko tiếp khách tại lễ mừng xuân tổ chức ở Cung điện hoàng gia Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 4 - Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito (trái) và hoàng hậu Michiko tiếp khách tại lễ mừng xuân tổ chức ở Cung điện hoàng gia Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 4 - Ảnh: Reuters

Theo chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, dự luật hiện đang được chuyển tới Quốc hội để thảo luận và gần như chắc chắn sớm được thông qua trong phiên họp sẽ kết thúc vào giữa tháng 6.

Cuối năm 2018

Tháng 7 năm ngoái, khi những thông tin đầu tiên phát đi cho biết Nhật hoàng Akihito mong muốn được thoái vị, người dân Nhật Bản đã rất ngạc nhiên. Hiến pháp Nhật quy định nhà vua không được nêu quan điểm bình luận về chính sự, do đó Nhật hoàng đã không thể giãi bày rõ ràng việc ông muốn từ giã ngai vàng, mà chỉ ngụ ý xa gần rằng ông lo ngại tuổi già sức yếu không thể đảm đương trách nhiệm của một đấng quân vương.

Tuy nhiên tới tháng 8-2016, nhà vua mới công khai nói lên ý nguyện được thoái vị vì tuổi cao sức yếu trong buổi nói chuyện trên truyền hình phát trực tiếp. Cùng với đó là nguyện vọng truyền ngôi cho con trai cả, thái tử Naruhito.

Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản chưa có điều khoản nào quy định về việc thoái vị. Do đó, trước ý nguyện của nhà vua, các chính trị gia Nhật Bản đã phải soạn thảo một dự luật liên quan. Và dự luật này chỉ được áp dụng một lần, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm qua ở Nhật, kể từ khi Nhật hoàng Kokaku thoái vị năm 1817.

Bản dự luật được nội các Nhật Bản thông qua ngày 19-5 đã đề cập quan điểm ủng hộ của đa số người dân Nhật Bản trước nguyện vọng muốn “nghỉ hưu” của nhà vua. Dù đã được thông qua tại nội các, nhưng ngày Nhật hoàng chính thức thoái vị ít nhất phải tới tháng 12-2018 khi ông thọ 85 tuổi.

Xét về lịch sử, việc thoái vị của các hoàng đế Nhật Bản là chuyện bình thường. Theo báo Japan Times, có khoảng một nửa trong số 125 hoàng đế Nhật Bản đã chọn cách này. Tuy nhiên, câu chuyện thoái vị của Nhật hoàng Akihito sở dĩ gây nhiều chú ý thời gian qua bởi nó cho thấy rõ hơn vấn đề khủng hoảng thiếu người kế tục tại một trong những nền quân chủ lâu đời nhất thế giới, có thể tới 2.600 năm như thông tin từ báo Guardian.

Lo không có người kế vị

Tháng 4 năm nay, một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản phát đi cảnh báo về tình trạng “hao hụt đàn ông” trong hoàng tộc. Dù nước Nhật từng có nữ hoàng trong các thế kỷ trước nhưng theo luật hiện hành, con gái không được nối ngôi cha nên công chúa Aiko, con gái của thái tử Naruhito, sẽ không thể thừa kế ngai vàng của cha mình. Chưa kể với quan niệm “con gái là con người ta”, các công chúa Nhật Bản sẽ trở thành thường dân sau khi lấy chồng.

Năm 2006, dư luận Nhật Bản từng dấy lên cuộc tranh luận về việc có nên để phụ nữ được nối ngôi vua hay không khi tại thời điểm đó, Nhật hoàng không có bất cứ người cháu trai nào. Đề xuất thay đổi luật cho phép con gái kế vị ngai vàng đã được thủ tướng Nhật Bản khi đó là Koizumi đồng tình. Tuy nhiên, những tranh luận rốt cuộc lại nhạt đi khi hoàng gia Nhật Bản phấn khởi trước sự ra đời của hoàng tử Hisahito năm 2006, chấm dứt 4 thập kỷ trông mong một người nối dõi mới của hoàng gia.

Tới giữa tuần vừa rồi, những tranh luận về vấn đề này lại được xới lên khi công chúa Mako, cháu gái lớn nhất của Nhật hoàng Akihito, chuẩn bị kết hôn với một thường dân. Theo đó, công chúa 25 tuổi sẽ theo chồng và hoàng gia Nhật Bản đã thiếu người nay càng thêm thiếu.

Báo Japan Times cho rằng dự luật đang chờ thông qua chỉ được áp dụng với Nhật hoàng Akihito để ngăn cản các việc tương tự khác. Rõ ràng trong bối cảnh hoàng gia ngày càng ít người hơn, việc đảm bảo một sự kế tục ngai vàng ổn định đang là một thách thức không đơn giản.

Sau đám cưới đã được dự trù của công chúa Mako, số thành viên của hoàng gia Nhật Bản, bao gồm cả Nhật hoàng Akihito, chỉ còn lại 18 người, mà 13 người trong đó là phụ nữ.

Hiện chỉ còn 4 người được quyền kế vị ngai vàng là thái tử Naruhito (57 tuổi), em trai ông là Akishino và con trai ông, hoàng tử Hisahito (10 tuổi) cùng em trai Nhật hoàng, hoàng tử Masahito đã 81 tuổi. Theo đó, nếu “hoàng tử bé” Hisahito sau này không thể có con trai, việc nối ngôi trong hoàng tộc đương nhiên sẽ đứt đoạn.

Tuy nhiên, bất chấp việc thông qua dự luật cho phép Nhật hoàng thoái vị, Thủ tướng Shinzo Abe cùng nội các của ông vẫn phản đối quan điểm cho rằng nên đưa vào dự luật điều khoản cho phép các công chúa được tiếp tục duy trì một nhánh của hoàng tộc sau khi kết hôn, từ đó con trai họ cũng có thể trở thành hoàng đế Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng bác bỏ các cuộc thảo luận về đề xuất thay đổi với luật kế vị, cho phép các phụ nữ của hoàng tộc có thể trở thành nữ hoàng.

Nhật hoàng Akihito từng được điều trị ung thư tuyến tiền liệt năm 2003 và trải qua phẫu thuật tim năm 2012. Ông lên ngôi sau khi cha ông, Nhật hoàng Hirohito, qua đời năm 1989 và là một vị vua được nhiều người dân Nhật yêu quý, kính trọng.

Mặc dù không được tôn vinh như một vị thánh sống giống cha, Nhật hoàng Akihito lại được xem như biểu tượng của sự đoàn kết và ổn định đất nước.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên