Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo của Nhật Bản trong cuộc đối thoại với 2 người đồng cấp Đức ngày 13-4 - Ảnh: REUTERS
Đối thoại an ninh - ngoại giao (hay còn gọi là Đối thoại 2+2) lần đầu tiên giữa Nhật Bản và Đức đã diễn ra ngày 13-4 theo hình thức trực tuyến. Trung Quốc là chủ đề chiếm phần lớn nội dung thảo luận.
Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu chia sẻ các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đã khiến Nhật Bản thay đổi suy nghĩ.
"Chúng tôi không thể tiếp tục dựa vào các nguyên tắc giả định, vốn đã thúc đẩy hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế", ông Motegi lập luận.
Về phía Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas khẳng định Berlin muốn có sự hiện diện nhiều hơn ở châu Á "để Đức và châu Âu có thể tiếp tục tích cực giúp định hình thế giới ngày mai".
Ông Maas khẳng định Berlin và Tokyo "chia sẻ các giá trị chung" và xem đây là nền tảng cho sự phối hợp song phương.
"Hợp tác với Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng, vì Nhật Bản là đối tác chính của Đức trong các nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và nhân quyền", ông Maas nói.
Thông cáo của Chính phủ Đức và Nhật Bản sau đối thoại cho biết các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đối với khu vực.
Hãng tin Reuters trích thông cáo cho biết các bộ trưởng cũng nhất trí xem xét thêm việc tổ chức tập trận hải quân, khi Đức đưa tàu chiến tới khu vực. Theo Reuters, Nhật Bản đã chủ động đưa ra đề xuất tập trận.
Đức đã lên kế hoạch triển khai ít nhất 1 tàu hộ vệ tên lửa tới châu Á, với hải trình dự kiến đi qua Biển Đông vào tháng 8 tới. Khinh hạm của Đức dự kiến cập cảng Nhật Bản như một phần của chuyến đi.
"Động thái này rất bất thường đối với Đức, quốc gia không có lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương", tuần báo Nikkei Asia nhận định.
Một tàu hộ vệ tên lửa của hải quân Đức - Ảnh: AFP
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Đức từng cử tàu hải quân tới khu vực châu Á để thúc đẩy giao lưu với các nước. Tuy nhiên, cũng theo bộ này, Berlin chưa bao giờ làm như vậy vì những lý do công khai liên quan đến an ninh khu vực.
Tuần báo Nikkei Asia cho rằng Mỹ và Nhật Bản đang muốn tập hợp sự ủng hộ của các nước châu Âu để gây sức ép với Trung Quốc. Quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Âu đã bị tổn hại vì những cáo buộc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ và vấn đề Hong Kong.
"Cả Washington và Tokyo đều đang mong muốn tranh thủ sự hợp tác của châu Âu để chống lại dấu chân kinh tế và quân sự ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực, hướng tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do", Nikkei Asia nêu nhận định.
Đức là quốc gia thứ 3 ở châu Âu có Đối thoại 2+2 với Nhật Bản, sau Anh và Pháp. Nhật Bản và Pháp đã không tổ chức Đối thoại 2+2 kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi khôi phục Đối thoại 2+2 với Pháp trong nội bộ Chính phủ Nhật Bản, theo Nikkei Asia. Sự thúc giục bắt đầu mạnh mẽ hơn sau khi Pháp thông báo đã triển khai một tàu ngầm tấn công tới Biển Đông hồi tháng 2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận