Những ngày tuổi trẻ tươi đẹp của em đã dừng lại bằng một nhát dao vô tình. Một ngày cuối năm, em bị áp giải đến TAND cấp cao tại TP.HCM để nghe phán quyết về hành vi giết người. Phía sau vành móng ngựa là câu chuyện rất buồn...
Tình yêu trẻ con
Phan Thị Mỹ Tiên và N.V.K. (cùng ngụ huyện Tân Hồng, tỉnh Long An) quan hệ yêu đương. Cả hai rủ nhau bỏ nhà đi.
Khi đó Tiên 15 tuổi, đang học lớp 7, còn K. 16 tuổi, đã bỏ học. Không nghề nghiệp, không tiền bạc, không nhà cửa, cả hai thuê nhà trọ tại thị trấn Bến Lức và chung sống với nhau như vợ chồng.
Tiên làm tiếp viên tại quán karaoke. K. đưa đón Tiên đi làm hằng ngày. K. nghe mọi người nói tiếp viên nếu khách có yêu cầu thì phải đi chơi với khách nên thường ghen tuông, vặn vẹo Tiên.
Ngày 5-5-2016, Tiên đi làm đến 2g30 sáng mới về. K. tra khảo: “Có phải mày đi chơi với khách nên về muộn không?”. Tiên nói: “Ráng đi làm trả nợ tiền trả góp cho người ta”. Rồi K. gây sự, ẩu đả, xúc phạm Tiên, dọa đánh, dọa giết những người trong gia đình Tiên. K. bảo: “Đồ con không có bố”.
Thấy con dao gần đó, Tiên cầm lên bảo: “Dao này, mày giết tao đi”. Hai bên giằng co nhau. Rồi Tiên đâm một nhát vào ngực trái của người yêu. Đâm xong, Tiên gọi người đưa K. đi cấp cứu.
Tuổi 17 của K. đã vĩnh viễn dừng lại vì vết dao đâm xuyên thấu ngực. Ở tuổi 16, Tiên bị TAND tỉnh Long An phán quyết 4 năm tù về hành vi giết người. Mẹ Tiên và mẹ K. đều lần lượt kháng cáo. Người xin giảm nhẹ hình phạt, người đề nghị tòa tăng nặng.
“Con không cố ý giết bị hại. Nhưng vì bị hại ghen tuông rồi dọa giết con. Bị hại cầm cổ tay con giật qua giật lại nên con mới đâm trúng” - Tiên phân bua.
“Trước khi chết bị hại có nói gì không? Bị hại hỏi con: mày còn thương tao không? Con nói còn. Còn thương sao đâm người ta?” - đại diện viện kiểm sát hỏi dồn. “Con đã nói là không cố ý, vì giằng co qua lại nên con mới đâm trúng...” - Tiên bình tĩnh khai, không còn khóc nhiều như ở tòa sơ thẩm.
Tội giết người quy định tại khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ chung thân đến tử hình. Nhưng bị cáo chỉ bị truy tố ở khoản 2 điều 93 nên bị xử phạt 4 năm tù.
Mẹ bị hại nêu rõ từng điều luật: “Tôi yêu cầu tòa xử bị cáo ở khoản 1 điều 93. Tòa xử bị cáo ở khoản 2 là không đúng vì nó cầm dao đâm chết con tôi, con tôi lại là con trai một...”.
Hội đồng xét xử cho rằng hình phạt 4 năm tù dành cho bị cáo là hợp lý vì đã cân nhắc đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Kháng cáo của cả hai người mẹ đều không được chấp nhận.
Chuyện hai người mẹ...
Tình yêu của Tiên và K. đã bị gia đình phản đối kịch liệt. Khi Tiên bỏ nhà đi cùng bạn trai, mẹ Tiên đã nhờ anh em, họ hàng đi bắt về.
Sau khi nghe mẹ khuyên nhủ, mắng chửi rồi đánh đập, Tiên ở nhà phụ mẹ bán quán cà phê, hàng tạp hóa được ít ngày rồi lại trốn đi. Đi được ít hôm lại bị mẹ lùng bắt về. Cứ như vậy 3-4 lần.
Bố mẹ Tiên ly hôn, ai cũng có gia đình mới. Đến khi mẹ Tiên sinh em bé thì không ai còn thời gian đi tìm Tiên về nữa. Tiên cũng sợ mẹ bắt về nên liên tục đổi chỗ ở.
“Nó làm cái nghề đó, mợ cho K. nhà mình quen nó làm gì?” - những câu hỏi han lẫn trách cứ vẫn được họ hàng hỏi mẹ K. khi ra đến tòa.
Nghèo quá, bà phải để K. ở lại một mình trông nhà rồi cùng chồng lên Bình Dương làm thuê. Cho đến khi nghe bạn của con nói “K. nhà cô có người yêu, mà con bé này là đồ thứ dữ à nha” thì bà mới biết.
Rồi người họ hàng ở Long An điện thoại báo tin K. đưa bạn gái về nhà bố mẹ sống chung. Mỗi ngày hai đứa đánh chửi nhau cả chục lần, vừa cãi nhau xong lại chọc nhau cười như điên dại. Hai đứa trẻ con sống với nhau, ăn uống sinh hoạt bừa bãi, người họ hàng cạnh đó thường phải đến dọn dẹp.
Bà nghe vậy nóng ruột, bỏ việc về nhà bắt K. phải chia tay bạn gái, rồi đưa K. lên Bình Dương làm bảo vệ công ty với bố. K. làm được nửa tháng thì Tiên lên thăm, hai đứa rủ rê nhau rồi lại trốn để được ở gần nhau. Từ khi con đi đến khi nghe tin con bị đâm chết, bà đều không được nhìn mặt con.
“Anh em họ hàng ai cũng bảo tôi chỉ có một đứa con trai mà bị đâm chết, mất cả giống nòi, mà con bé đó chỉ bị có 4 năm tù. Ông luật sư nói nếu kháng cáo thì chắc chắn vừa tăng được hình phạt, gia đình tôi lại được tăng tiền bồi thường thêm 70 triệu đồng. Tôi nghe vậy cũng cắn răng thuê luật sư mất 15 triệu đồng. Tôi nghĩ nếu được thêm tiền thì trả phí luật sư một phần, phần còn lại để trang trải, xây mồ mả cho con...” - mẹ bị hại kể.
Nhưng rồi tòa y án, tiền không có thêm, còn mất tiền cho luật sư, tiền thuê xe đi lại. Sau khi ngồi lặng yên rất lâu trên ghế đá ở sân tòa, bố bị hại bảo với vợ: “Luật sư hứa sẽ thắng mà cuối cùng không được. Nhà mình đã trả phí cho luật sư mất một nửa. Giờ khó khăn quá, bà đến xin ông ấy cho miễn số tiền còn lại”.
Mẹ bị hại ngại ngần đến bên cạnh vị luật sư để xin. Nhưng vị luật sư nói nếu thua ở cấp phúc thẩm thì có thể làm đơn lên cấp giám đốc thẩm.
“Tôi kháng cáo lên phiên tòa giám đốc thẩm thì có thắng được không? Chứ đi lại nhiều khổ quá luật sư ơi...” - nắng đã chiếu gay gắt trên đầu, mà người mẹ ấy ngồi nghe luật sư giảng giải mãi cũng chưa hiểu thế nào là cấp giám đốc thẩm...
Phan Thị Mỹ Tiên đang bị giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Lần nào mẹ vào thăm, Tiên cũng khóc bảo: “Con xin lỗi má, con dại quá, con sai rồi, má tha thứ cho con...”. Tiên kể với mẹ từ ngày ở trại giam, đêm nào cũng mơ thấy K. về. K. hỏi: “Em còn thương anh không, anh thương em vậy sao em nỡ giết anh?”. Những giấc mơ ấy cứ lặp đi lặp lại trở thành nỗi ám ảnh, hối hận muộn màng với cô gái trẻ. Tình yêu trẻ con bồng bột đã khiến cả hai phải trả một cái giá quá đắt. Tiên nói với mẹ: “Con sẽ cố mấy năm nữa để ra tù trở về trả hiếu cho má...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận