KANTARO KOMIYA
Trong những năm qua, Nhật Bản là nơi tiếp nhận rất nhiều lao động từ Việt Nam dưới tên gọi thực tập sinh. Với nhiều người Nhật lớn tuổi mà tôi biết, sự tiếp xúc với người Việt Nam duy nhất là thông qua những thực tập sinh này. Điều này, vô hình trung, tạo ra ấn tượng rằng lao động Việt Nam sang Nhật chỉ làm những công việc chân tay.
Do đó, tôi đã rất ngạc nhiên và ấn tượng khi biết được rằng chính phủ hai nước đã chung tay thành lập Trường đại học Việt - Nhật. Điều này thể hiện một hướng đi mới của Nhật Bản trong việc truyền bá những giá trị giáo dục, đầu tư vào con người để chủ động tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của hai nước, bên cạnh các khoản vay ODA cho những dự án cơ sở hạ tầng như hệ thống tàu điện ngầm ở TP.HCM.
Với kinh nghiệm sống và làm việc ở các quốc gia Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng Nhật Bản cần nhìn nhận rõ ràng hơn sự chuyển dịch đầy năng động của khu vực này, đặc biệt là Việt Nam, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và đổi mới sáng tạo. Đó cũng là điều mà Nhật Bản đã không được nếm trải trong bốn thập niên qua và tôi tin rằng có thật nhiều điều mà chúng tôi cần phải học từ các bạn.
Nếu quan hệ hữu nghị giữa hai nước được bồi đắp trên sự công nhận như vậy, tôi nghĩ đôi bên sẽ đưa ra được nhiều dự án cùng có lợi và mang tính xây dựng hơn. Trường ĐH Việt - Nhật là một ví dụ điển hình. Các doanh nghiệp Nhật Bản và các đối tác của họ ở Việt Nam cũng có thể bắt đầu suy nghĩ về các sáng kiến mới để tận dụng tối đa cơ hội và điểm mạnh của hai bên, như kinh nghiệm quản lý và công nghệ Nhật Bản cũng như nhân lực năng động và trình độ ngày càng cao của Việt Nam.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều rào cản cho việc đi lại giữa hai nước, tôi hi vọng với cách tiếp cận từ dưới lên như thế sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước.
Đối với nhiều bạn đồng trang lứa của tôi, Việt Nam luôn nằm trong top những điểm đến du lịch đáng mơ ước với đồ ăn ngon, bãi biển đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn đó những đắn đo chọn Việt Nam làm nơi lập nghiệp. Ở khía cạnh thu nhập, vẫn còn nhiều khoảng trống để Việt Nam cố gắng thu hẹp trong tương quan với các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore hay Malaysia. Ngược lại, chi phí sinh hoạt và môi trường sống năng động lại mang đến cho Việt Nam một điểm hấp dẫn riêng đối với lao động từ Nhật Bản, dù hiện tại phần lớn họ vẫn đang làm việc cho các doanh nghiệp nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận