Phóng to |
Tàu Trung Quốc (China Marine Surveillance) liên tiếp áp sát và xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tuần qua - Ảnh: Asahi Shimbun |
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho hay đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật sau ba tuần qua. Các tàu này di chuyển về khu vực biển gần đảo Minamikojima, một trong năm đảo chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc 6g30 sáng 25-10 (4g30 ngày 25-10 theo giờ Việt Nam).
Một giờ sau, một tàu hải giám khác tiếp cận quần đảo tranh chấp. Trước đó, bốn tàu này đã hoạt động ở vùng biển tiếp giáp từ ngày 19-10.
Tàu tuần duyên Nhật Bản phát cảnh báo yêu cầu các tàu trên rời vùng biển này, nhưng một tàu gửi tín hiệu trả lại, cho rằng đó là vùng biển của Trung Quốc.
Ngay trong sáng 25-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã điện đàm cho đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa bày tỏ sự phản đối hành động xâm phạm này, hối thúc Bắc Kinh ngay lập tức rút các tàu trên khỏi lãnh hải Nhật Bản.
JCG cho hay bốn tàu trên liên tục ra vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ hôm 20-10. Nhật Bản nghi ngờ có một tàu nghiên cứu của Trung Quốc đang khảo sát các mẫu đất dưới thềm lục địa ở khu vực biển này để xác định các nguồn khoáng sản.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp quy chế của đơn vị trực thuộc văn phòng thủ tướng phụ trách ứng phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc.
Theo TTXVN, ngày 25-10 Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận việc các tàu hải giám nước này đi vào vùng biển rộng 12 hải lý ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Ngày 25-10, các tàu hải giám Trung Quốc đã tiến hành hoạt động tuần tra như thường lệ trên vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku để bảo vệ chủ quyền quốc gia", đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động thường xuyên của tàu hải giám Trung Quốc để thực thi quyền tài phán tại vùng biển nói trên.
Ngày 24-10, Tân Hoa xã dẫn phát biểu của ông Lưu Chấn Dân, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), kêu gọi Nhật Bản có hành động cụ thể "sửa chữa sai lầm" trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và trở lại hướng đàm phán với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại Trung tâm Chính sách an ninh ở Geneva trước các quan chức ngoại giao và quốc phòng đến từ 24 nước, ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh: "Chừng nào cả hai nước cùng phối hợp với nhau, giữ bình tĩnh trong giải quyết tranh chấp, hai bên sẽ có thể tìm ra một phương thức tích cực hành động tương tác ở châu Á - Thái Bình Dương theo hướng cùng tồn tại hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận