Một công nhân công ty điện lực Tokyo (TEPCO) làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hôm 10-2-2016 - Ảnh: Reuters |
Theo RT ngày 18-12, nam công nhân giấu tên trên được cho là 40 tuổi, làm việc tại nhiều nhà máy điện hạt nhân từ năm 1992 đến năm 2012 trong vai trò nhân viên của Công ty Điện lực Tokyo Holdings Inc.
Vào thời điểm xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 11-3-2011, ông đang có mặt tại nhà máy này. Ba năm sau đó, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Hôm 16-12 vừa qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xác nhận bệnh tình của ông là do phơi nhiễm phóng xạ với mức độ nhiễm xạ lên tới 150 millisievert.
Đây là lần đầu tiên một trường hợp bị ung thư tuyến giáp được xác nhận có liên quan tới sự cố ở Fukushima và được bồi thường.
Trước đó, hai trường hợp khác cũng được bồi thường sau khi được xác nhận bị bệnh do nhiễm phóng xạ ở Fukushima, nhưng cả hai người đều bị ung thư máu.
Sau trường hợp bồi thường mới nhất này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã lần đầu tiên công bố quan điểm chung của họ trong vấn đề bồi thường cho các công nhân có mặt tại nhà máy Fukushima vào lúc xảy ra rò rỉ phóng xạ.
Theo đó, những công nhân nhiễm xạ hơn 100 millisievert và mắc bệnh ung thư sau 5 năm phơi nhiễm phóng xạ đều được bồi thường. Bộ này cũng lưu ý con số 100 millisievert chỉ là một thước đo chứ không phải tiêu chuẩn nghiêm ngặt để xét bồi thường.
Theo một nghiên cứu chung của Liên Hiệp Quốc và Công ty Điện lực Tokyo, vào tháng 3-2011, có 174 người làm việc tại nhà máy Fukushima đã tiếp xúc với hơn 100 millisievert giá trị phóng xạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận