Bản vẽ thiết kế máy bay K9 “thần sấm” của Hàn Quốc - Ảnh: Defenceindustrydaily |
Câu chuyện đáng kể nhất thời gian qua chính là việc Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí và cả những nỗ lực tham vọng nhằm đột phá thị trường vũ khí thế giới của đất nước mặt trời mọc.
Nhật ráo riết chào bán
Sau nhiều thập kỷ thực hiện lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tự áp đặt theo hiến pháp hòa bình, năm 2014, với việc thay thế “ba nguyên tắc” của năm 1967 cấm xuất khẩu vũ khí bằng “ba nguyên tắc về chuyển giao khí tài và công nghệ quốc phòng”, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu cho phép các nhà thầu quốc phòng được phép xuất khẩu vũ khí và khí tài quân sự.
Trên thực tế, từ trước khi áp dụng các nguyên tắc mới, Nhật Bản đã cho phép các công ty trong nước hợp tác với Mỹ trong các chương trình nghiên cứu chung về tên lửa đạn đạo và phòng thủ tên lửa.
Gần đây nhất, Nhật Bản bắt đầu các đàm phán với New Zealand trong việc chào bán các máy bay tuần tra và máy bay vận tải.
Tiến trình đàm phán vẫn đang diễn ra trong bối cảnh nhà thầu Nhật Bản phải đối đầu với sức ép cạnh tranh không nhỏ từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ và châu Âu.
Hiện tại, theo trang National Interest, Thái Lan đang là một mục tiêu khác của các công ty sản xuất vũ khí của Nhật Bản.
Các cuộc thương thảo giữa hai bên vẫn đang diễn ra liên quan tới các hợp đồng bán máy bay tuần tra P-1 và máy bay tàng hình US-2.
Hàn Quốc lặng lẽ đột phá
Đứng bên Nhật Bản, Hàn Quốc cũng lặng lẽ gặt hái những thành công đáng kể trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.
Các nhà thầu quốc phòng của xứ sở kim chi đã có những bước tiến dài để vượt qua vị thế khởi đầu chỉ là xưởng lắp ráp địa phương và nhà cung cấp khí tài quân sự cho quân đội để trở thành một lực lượng mới trong thị trường vũ khí toàn cầu.
Theo báo Financial Times, kể từ năm 2009, lượng xuất khẩu quân sự của Hàn Quốc đã tăng gần 1.100%.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đã khởi động chương trình chế tạo loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 KF-X đầy tham vọng, bất kể đã là nhà nhập khẩu dòng máy bay chiến đấu F-35A Lightning II của Hãng Lockheed-Martin (Mỹ).
Dự án chế tạo máy bay tiêm kích KF-X của Hàn Quốc dự kiến tung ra thị trường vào năm 2025 là chương trình hợp tác giữa Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) với Lockheed Martin và Indonesia.
Chưa hết, KAI cũng đang hợp tác với Công ty Elta của Israel để tiến hành thử nghiệm hoạt động của hệ thống rađa điện tử phát triển riêng cho dòng máy bay KF-X.
Hàn Quốc dự kiến sở hữu 120 tiêm kích KF-X, trong khi Indonesia mong muốn có được 50 chiếc, và chắc chắn KAI sẽ tìm kiếm cơ hội bán dòng chiến đấu cơ này.
Tất nhiên tại châu Á, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là những tên tuổi “đang lên” trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thì Trung Quốc đã định hình trước là một thế lực lớn.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển, trong khoảng thời gian 2012-2016, Trung Quốc là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ 3 toàn cầu, trong khi Hàn Quốc đứng thứ 13.
Theo bảng thống kê 100 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới năm 2016 căn cứ vào doanh thu của trang Defense News, các công ty của Nhật Bản đứng ở vị trí 36, 44, 66, 77, 81, 91 và 100. Trong khi đó, cũng ở bảng này, các nhà thầu quốc phòng của Hàn Quốc đứng ở các vị trí 38, 47 và 51. Đáng chú ý, cả ba công ty này đều thăng bậc đáng kể so với xếp hạng năm 2015 của họ lần lượt là 53, 61 và 59. Đứng đầu danh sách này là Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ. |
Hợp đồng kỷ lục Hãng KAI đang nộp hồ sơ dự thầu dự án T-X của Không lực Hoa Kỳ nhằm thay thế đội bay huấn luyện “già nua” gồm 350 chiếc T-38, trị giá khoảng 16 tỉ USD. KAI chào hàng với phiên bản nâng cấp của máy bay huấn luyện/tấn công hạng nhẹ siêu âm T-50 Golden Eagle do công ty này hợp tác phát triển với Hãng Lockheed Martin. Đơn vị thắng thầu sẽ được công bố cuối năm nay. Đây được coi là một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất trong một thập kỷ qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận