Nhật Bản và chính sách ODA mới

DUY LINH 05/02/2023 15:17 GMT+7

TTCT - Sau gần 70 năm, Nhật Bản một lần nữa điều chỉnh Hiến chương ODA trong năm 2023, đánh dấu sự thay đổi lần thứ ba.

Lần sửa đổi này đánh dấu bước ngoặt mới khi Tokyo hướng tới tài trợ cho cả các dự án quân sự trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Đầu tháng 1-2023, tờ Nikkei Asia dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển, bao gồm các dự án như cơ sở quân sự và hệ thống radar ven biển. 

Điều này đòi hỏi Tokyo phải thay đổi Hiến chương ODA - tài liệu quy định cách Nhật Bản cung cấp ODA cho các nước. 

Thực chất quá trình điều chỉnh đã bắt đầu từ tháng 9-2022, với một hội đồng gồm nhiều chuyên gia và tất cả đều đồng ý Tokyo nên mở rộng ODA cho cả các dự án quân sự ở nước ngoài để bảo đảm lợi ích an ninh cho chính Nhật Bản.

Xe tăng Type 10 của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Xe tăng Type 10 của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Hướng tới các nước "thân thiện"

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đặt mục tiêu thông qua Hiến chương ODA mới trong nửa đầu năm 2023. Lần thay đổi này (sau các năm 2003 và 2015) sẽ mở rộng danh mục viện trợ dành cho cả quân đội các nước mà Tokyo coi là thân thiện qua việc hợp tác có ý nghĩa với an ninh của Nhật Bản. 

Các dự án tiềm năng bao gồm xây dựng và bảo trì bệnh viện quân sự hoặc sân bay quân sự - dân sự và cảng biển. Dự thảo ngân sách của Nhật Bản cho năm tài khóa 2023 bao gồm 2 tỉ yen (15 triệu USD) cho mục đích này. Dự án đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm tới, với số tiền tài trợ tăng lên trong các năm sau đó.

Nhật Bản cũng có ý định cung cấp thiết bị an ninh, bao gồm radar và hệ thống phân tích dữ liệu để giúp các quốc gia giám sát vùng biển và không phận, cũng như phương tiện bọc thép cho các hoạt động chống khủng bố. 

Việc bán thiết bị cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và hoạt động nhân đạo như cứu trợ thiên tai cũng sẽ được phép. Bên nhận sẽ được yêu cầu đảm bảo thiết bị không được sử dụng trong xung đột quốc tế hoặc ngoài mục đích đã nêu. 

Ngoài ra, bất kỳ việc chuyển giao thiết bị đã nhận sang nước thứ ba phải được Nhật Bản chấp thuận.

Sự thay đổi chính sách ODA lần này nhằm tương thích với Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi gần đây của Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh Tokyo cần vận dụng ngoại giao để "ngăn chặn khủng hoảng" và "tạo môi trường quốc tế ổn định".

0,7% GNI và hơn thế nữa

Tháng 9-2022, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Ủy ban cố vấn thay đổi Hiến chương ODA gồm nhiều chuyên gia đầu ngành từ luật đến quan hệ quốc tế. 

Trong một loạt đề xuất được trình lên Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa vào đầu tháng 12-2022, ủy ban đề nghị Tokyo cần "đặt ra thời hạn rõ ràng để đạt được mục tiêu", chẳng hạn tăng ngân sách ODA lên 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) từ mức 0,34% hiện tại.

Ngoại trưởng Hayashi cho biết việc có vai trò quốc tế lớn hơn là cần thiết với Nhật Bản. Đặc biệt trong năm 2023, khi Tokyo đón tiếp lãnh đạo bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) với tư cách chủ tịch luân phiên nhóm này. 

Trong Hiến chương ODA sửa đổi thông qua năm 2015, Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài, miễn là ODA được chi cho mục đích phi chiến đấu như cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động bảo vệ bờ biển.

Nhật Bản và chính sách ODA mới - Ảnh 2.

ODA của Nhật Bản qua các thời kỳ - Ảnh chụp màn hình Nikkei Asia

Tuy nhiên, lần thay đổi này đánh dấu biến chuyển lớn, tiệm cận chính sách "củ cà rốt" mà một số nước phương Tây khác đã làm. 

Trong kế hoạch ngân sách cho năm tài chính 2023, chính phủ dành ngân sách ODA cho Bộ Ngoại giao ở mức 442,8 tỉ yen, bằng mức năm tài chính trước. Con số này chỉ bằng một nửa so với mức cao nhất của năm tài khóa 1997 là 1.168 tỉ yen.

Giáo sư Hoshiro Hiroyuki thuộc Viện khoa học xã hội (Đại học Tokyo, Nhật Bản) cho biết Hiến chương ODA ảnh hưởng rất lớn đến hành vi phân bổ viện trợ của Nhật Bản kể từ khi hiến chương đầu tiên được ban hành năm 1992. 

"Hợp tác phát triển vì mục đích phi quân sự" liên quan đến quân đội nước ngoài lần đầu được đề cập trong Hiến chương 2015. Kể từ đó, phần chi cho danh mục này đã tăng đều, song vẫn giới hạn ở mục đích phục vụ dân sự hơn là nhắm tới đảm bảo lợi ích an ninh cho Nhật Bản.

Theo giới quan sát, danh sách các quốc gia "thân thiện" với Nhật Bản chắc chắn sẽ được mở rộng trong thời gian tới, bên cạnh những đối tác truyền thống đã nhận ODA nhiều năm qua. 

Nhật Bản cũng đặt mục tiêu thay đổi các nguyên tắc chuyển giao và xuất khẩu phần cứng quốc phòng cho nước ngoài vào cuối năm 2023, sớm nhất là sau bầu cử địa phương vào tháng 4-2023. Kết hợp cả hai có thể mở ra nhiều lựa chọn để cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho các nền kinh tế mới nổi.

Năm 2017, Nhật Bản đã đề ra nguyên tắc chuyển giao phần cứng quốc phòng cho nước ngoài cho mục đích thu thập thông tin và ứng phó thảm họa thiên nhiên. Tokyo hiện có thỏa thuận chuyển giao như vậy với sáu nước ở châu Á, bao gồm Việt Nam. 

Nhưng đến nay mới chỉ có một hệ thống radar được xuất khẩu sang Philippines, do những giới hạn của "3 nguyên tắc chuyển giao" được đề ra dưới thời chính quyền Abe Shinzo. Nếu Tokyo thay đổi các hạng mục có thể chuyển giao, cả xe tăng và tên lửa đã qua sử dụng cũng có thể nằm trong danh sách mới, theo Nikkei Asia.

Nhật Bản và chính sách ODA mới - Ảnh 3.

Giáo sư Nakanishi Hiroshi, người đứng đầu ủy ban cố vấn thay đổi Hiến chương ODA, trao các đề xuất cho Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa ngày 9-12-2022 - Ảnh: Kyodo News

Cạnh tranh với Trung Quốc

Với tình hình tài chính và ngân sách ở Nhật không phải là sáng sủa mấy năm qua, hiện rất khó để nước này gia tăng đáng kể ODA. Tuy nhiên, có một động lực để Tokyo quyết tâm thực thi mục tiêu chi 0,7% GNI cho ODA: Trung Quốc. 

Tháng 3-2022, ODA của Nhật Bản dành cho Trung Quốc đã chấm dứt hoàn toàn, sau gần 45 năm triển khai (từ tháng 12-1979, sau chuyến thăm của thủ tướng Masayoshi Ohira đến Bắc Kinh).

Thủ tướng Abe đã tuyên bố quyết định đó từ năm 2018. Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lấn át cả Nhật Bản, nên việc Tokyo chấm dứt ODA cho nước này là dễ hiểu. Bản thân Bắc Kinh hiện là nhà hỗ trợ kinh tế cho nhiều nước và đã thúc đẩy sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) gần như phủ kín châu Á.

"Hiến chương ODA mới của Nhật Bản sẽ là một bước phát triển đáng kể khi Nhật Bản trở thành đối tác thân thiết hơn và là nhà cung cấp an ninh bình thường hơn ở Đông Nam Á. Tôi nghĩ Trung Quốc có thể phàn nàn đôi chút, nhưng nhìn chung điều đó sẽ không khiến các chính phủ Đông Nam Á từ chối thêm viện trợ ODA hoặc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Tokyo", chuyên gia về Đông Nam Á Gregory B. Poling nhận định với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.■

Nhật Bản đã ký Kế hoạch Colombo vào năm 1954, bắt đầu chính sách ngoại giao ODA cho các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rồi trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất thế giới vào năm 1989, vượt qua Mỹ.


Tuy nhiên đến năm 1992, Nhật Bản mới công bố Hiến chương ODA với hàng loạt điều chỉnh. Từ năm 2001, Mỹ chiếm lại vị trí hàng đầu này nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ ODA lớn với tư cách quốc gia thành viên của Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Các quốc gia Đông Nam Á, vốn đang chịu sức ép từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ đánh giá cao và được hưởng lợi từ chính sách mới của Nhật Bản. Thứ nhất, đại đa số các quốc gia Đông Nam Á có quan hệ tốt với Nhật Bản và xem Tokyo là đối tác quan trọng, cả về truyền thống và chiến lược.

Thứ hai, các nước trong khu vực mong muốn tăng cường năng lực an ninh, nhất là an ninh hàng hải, trước sự quyết đoán của Trung Quốc. Thứ ba, sự hiện diện ODA bền vững của Nhật giúp các quốc gia vừa và nhỏ trong khu vực đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tránh phải "chọn phe" trong cạnh tranh Mỹ - Trung.

Khi Nhật Bản đang từng bước từ bỏ cách tiếp cận hòa bình với viện trợ nước ngoài để hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam có lợi ích trực tiếp khi hợp tác với Nhật.

Sự hỗ trợ an ninh của Nhật thông qua viện trợ có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng quân sự - quốc phòng, nhất là khi Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Nhật là phát triển quan hệ với các quốc gia được Nhật coi là thân thiện và quan trọng đối với an ninh của quốc gia này.

Việt Nam cũng có thể trên cơ sở tiếp nhận ODA của Nhật để đẩy mạnh chính sách "đa phương hóa, đa dạng hóa" quan hệ với các đối tác, nhất là khi cuộc chiến Ukraine buộc các nước vừa và nhỏ chú ý nhiều hơn đến chiến lược củng cố an ninh thông qua đa dạng hóa quan hệ.

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng (khoa quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận