Ông Takahiro Makino đang chăm chút cho quy trình khắc dấu hanko ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AFP
Dẫu được thế giới lâu nay nhìn nhận là thiên đường công nghệ tương lai, Nhật Bản vẫn duy trì các hình thức làm việc truyền thống liên quan đến tài liệu giấy và xác nhận mọi thứ thông qua con dấu "hanko" (có khắc họ tên của người sở hữu, thường được dùng để thay thế chữ ký bình thường).
Giờ đây, khi người dân Nhật Bản được khuyến khích làm việc từ xa giữa đại dịch COVID-19, việc phải đóng dấu tài liệu trong văn phòng lại vô tình gây khó khăn cho họ.
Giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản Takayuki Watanabe cho biết các con dấu này được xem như biểu tượng văn hóa kinh doanh cấp bậc của xứ sở hoa anh đào.
Ông cho biết để thông qua một quyết định nào đó, nhân viên phải nhận được sự chấp thuận và đóng dấu lần lượt từ các đồng nghiệp cấp cao hơn. Cách đóng dấu lần lượt như vậy sẽ cho thấy sự đồng thuận chung trong cả bộ phận, và cũng bởi vì "không ai muốn phải chịu trách nhiệm cả".
Hiện nay, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đang khởi động quá trình số hóa quốc gia, nhưng lại vấp phải một số khó khăn khi các con dấu này vẫn được sử dụng rất nhiều, từ con dấu bằng nhựa cho tới các con dấu bằng gỗ được khắc chữ thủ công.
Việc đóng dấu hanko lên các giấy tờ đã cản trở quá trình số hóa trong 20 năm qua ở Nhật Bản - Ảnh: BLOOMBERG
Ông Takahiro Makino, một nghệ nhân điêu khắc con dấu tỉ mỉ, cho biết ông không quá lo lắng về việc loại bỏ con dấu. "Đối với những thứ không cần thiết thì không nên tiếp tục sử dụng, nhưng đối với những vật có giá trị bền bỉ thì dẫu thế nào nó vẫn sẽ tồn tại với thời gian", ông nói với hãng tin AFP.
Còn ông Keiichi Fukushima đến từ Hiệp hội Công nghiệp hanko Nhật Bản dường như không tán thành nỗ lực dần loại bỏ hanko của Chính phủ.
Ông nhận định hiện nay mọi người vẫn còn sử dụng hanko chính vì lợi ích của con dấu này. Điều đó cũng chứng tỏ được tầm quan trọng của truyền thống sử dụng hanko trong lòng người dân Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận