Tối 27-11 (giờ Nhật Bản), ngay sau cuộc hội đàm thành công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gặp báo chí, cùng thông báo quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
"Tôi có mối duyên nợ rất sâu sắc với Việt Nam"
Tại họp báo, Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ vui mừng được tiếp đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản. Ông chia sẻ từ khi trở thành nghị sĩ Quốc hội, ông đã tham gia hoạt động trong Liên minh Nghị sĩ Nhật - Việt và hầu như mỗi năm đều đến thăm Việt Nam.
"Tôi có mối duyên nợ rất sâu sắc đối với Việt Nam", nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ.
Thông tin về kết quả cuộc hội đàm rất thành công với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết hai bên đã trao đổi về định hướng quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong tương lai và đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo đó, hai bên sẽ cùng xúc tiến hợp tác trong bốn lĩnh vực.
Đầu tiên là lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng Việt Nam là đối tác cần thiết của Nhật Bản để hướng tới thực hiện sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở".
Việt Nam cũng là cứ điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Hai bên sẽ cùng hợp tác để đồng sáng tạo các ngành công nghiệp tương lai, như công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, cùng xúc tiến hợp tác và hỗ trợ về thiết bị quốc phòng.
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định: "Nguồn nhân lực Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản". Nhà lãnh đạo Nhật Bản đồng thời cho hay hai nước sẽ mở rộng giao lưu thế hệ trẻ, giao lưu giữa các địa phương, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhật Bản và Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế vì một thế giới bảo vệ, tôn trọng con người, củng cố, duy trì trật tự, tự do quốc tế trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
"Vì hòa bình, thịnh vượng tại châu Á và thế giới"
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xác nhận hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ.
"Chúng tôi thống nhất cùng ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới", người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh.
Hai bên cũng thống nhất những phương hướng lớn, chủ đạo của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo đó, về chính trị, quốc phòng - an ninh, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm với nhiều hình thức linh hoạt.
Hai bên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại hợp tác đã có và thiết lập cơ chế hợp tác mới, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất, hiệu quả trên cơ sở văn kiện chung đã ký kết giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế và lĩnh vực mới, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh kinh tế, mở rộng hợp tác các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: "Tôi và Ngài Thủ tướng Kishida Fumio hoan nghênh các khoản vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt mốc 100 tỉ yen (671 triệu USD).
Đây là tiền đề quan trọng để hai nước duy trì và đẩy mạnh hợp tác ODA những năm tới, tập trung vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu và y tế".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao việc Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cũng như khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, thực hiện các cam kết, trong đó có giảm phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.
Hai bên khẳng định tăng cường kết nối nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Việc nâng cấp diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời càng làm nổi bật thêm ý nghĩa chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21-9-1973, đến năm 2002 thì thiết lập quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.
Bảy năm sau, năm 2009, hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và đến năm 2014 thì nâng lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Nhật Bản là nước thứ sáu mà Việt Nam có cấp quan hệ này, sau Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Mỹ.
Trước đó tại hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nới lỏng các thủ tục nhập cảnh, sớm cấp thị thực điện tử, thị thực nhiều lần cho công dân Việt Nam vào Nhật Bản với mục đích cá nhân và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa bộ, ngành hai nước gồm:
- Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản.
- Công hàm trao đổi dự án nâng cao năng lực bảo quản, phục hồi di sản văn hóa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
- Công hàm trao đổi dự án nâng cao năng lực phục hồi y tế và đảm bảo an ninh y tế trong và sau đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
- Phi dự án cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển.
- Thỏa thuận thực hiện giữa Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) về hỗ trợ vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và khai thác hiệu quả vệ tinh LOTUSat-1 giai đoạn 2024-2029.
Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) của Nhật Bản đã gửi lên hai nhà lãnh đạo báo cáo tư vấn chính sách "Viet Nam 2045".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận