Ngày 29-5, Đài CNN dẫn số liệu mới nhất của Nhật Bản công bố đầu tuần này cho biết các tàu Trung Quốc đã hiện diện ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (hiện do Nhật Bản kiểm soát) ở Biển Hoa Đông với số ngày kỷ lục lên tới 158 ngày liên tiếp vào hôm 27-5, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2021.
Các nhà phân tích lo ngại quần đảo không có người ở này có khả năng trở thành điểm nóng xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản, theo CNN.
Hôm 27-5, lực lượng tuần duyên Nhật Bản nhìn thấy 4 tàu hải cảnh Trung Quốc xung quanh Senkaku. Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, một trong bốn tàu này được cho là mang đại bác.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết: "Chính phủ Nhật Bản đánh giá rất nghiêm túc vụ việc hàng loạt tàu đi vào khu vực tiếp giáp và xâm phạm lãnh hải".
Ông Hayashi đánh giá tình hình "cực kỳ nghiêm trọng". Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ cảnh giác trong việc giám sát các tàu Trung Quốc và phản ứng với Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết".
Sự hiện diện liên tục của tàu hải cảnh Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư bị coi là hành động khiêu khích.
Ông Hayashi cho biết Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nêu "mối quan ngại nghiêm trọng" của Tokyo với phía Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh ba bên với Hàn Quốc tại Seoul hôm 27-5.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã diễn ra nhiều năm. Trung Quốc thường xuyên triển khai tàu hải cảnh và các tàu chính phủ khác đến vùng biển xung quanh quần đảo này để khẳng định yêu sách của họ.
Một tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi năm 2022 viết: "Các nhiệm vụ tuần tra và thực thi pháp luật của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư là các biện pháp hợp pháp, được Trung Quốc thực hiện để thực thi chủ quyền của mình theo luật và là phản ứng cần thiết trước những hành động khiêu khích của Nhật Bản vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận