Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản tham gia một cuộc diễn tập bắn đạn thật vào tháng 5-2022 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 26-8, trong đề xuất ngân sách quốc phòng tài khóa 2023, Đảng Dân chủ tự do của Thủ tướng Kishida Fumio muốn nâng chi tiêu quốc phòng, hiện nay là 39,5 tỉ USD, lên gấp đôi trong 5 năm tới.
Tokyo hiện đứng thứ 9 thế giới về chi tiêu quốc phòng nhưng có thể vượt lên vị trí thứ 3, sau Washington, Trung Quốc, nếu kế hoạch này được thông qua.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại ở Nhật Bản và sự ủng hộ của công chúng đối với việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Ngoài việc chỉ mua thiết bị mới, Nhật Bản còn đối mặt với áp lực chi tiêu nhiều hơn cho các vấn đề như tăng lương, đạn dược, phụ tùng thay thế và hậu cần.
"Có lẽ hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nếu chúng tôi tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, chúng tôi sẽ nhận được nhiều thiết bị hơn. Nhưng vấn đề không chỉ là mua nhiều thứ hơn", ông Toshiyuki Ito, phó đô đốc đã nghỉ hưu và hiện là giáo sư tại Học viện Công nghệ Kanazawa, cho biết.
Theo báo Yomiuri, Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn mua các thiết bị mới bao gồm tên lửa và hệ thống radar cải tiến có thể đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc và Triều Tiên - kể cả hệ thống siêu thanh - và trình làng máy bay chiến đấu không người lái. Tokyo cũng có kế hoạch nâng kho vũ khí lên khoảng 1.000 tên lửa có thể bắn từ tàu và máy bay, vươn tới Triều Tiên và Trung Quốc, tờ báo cho biết.
Hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản đã lập ban chuyên gia về việc đảm bảo nguồn tài chính cho tăng ngân sách quốc phòng.
Ban chuyên gia này sẽ bắt đầu họp từ đầu tháng 9-2022 sau khi kế hoạch ngân sách ban đầu cho tài khóa 2023 và bản cập nhật 3 tài liệu quan trọng liên quan đến an ninh như Chiến lược An ninh quốc gia được công bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận