Theo Asahi, ngày càng có nhiều nam giới cung cấp tinh trùng của họ thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, người nhận phần lớn phải nghe lời người hiến tặng về việc họ là ai và loại gen mà họ có thể truyền lại. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đã tìm kiếm trên tài khoản Twitter, và bắt gặp một người hiến tinh trùng tự xưng là tốt nghiệp Đại học Kyoto danh tiếng.
Người phụ nữ quyết định sử dụng tinh trùng của người đàn ông, vì anh ta có cùng nhóm máu với chồng cô, người cũng đã tốt nghiệp một trường đại học quốc gia ở Tokyo. Sau khi gặp gỡ người đàn ông và lấy được tinh trùng của anh ta, cô ấy đã mang thai vào mùa hè năm 2019. Nhưng thông qua việc tìm hiểu về người hiến tặng, người phụ nữ mang thai được biết sự thật, rằng anh ta chưa từng tốt nghiệp Đại học Kyoto.
Trên thực tế, anh ta là một cựu sinh viên đến từ Trung Quốc, theo học một trường đại học quốc gia ở một vùng nông thôn của Nhật Bản. Người phụ nữ lúc đó đã mang thai được năm tháng, nên việc phá thai rất khó khăn. Cô sinh con vào tháng Hai năm nay. “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận tinh trùng của anh ta, nếu anh ta thành thật về lý lịch của mình,” cô nói. “Tôi tin rằng cần có luật để điều chỉnh những người hiến tặng không trung thực”.
Trước thực trạng đòi hỏi lý lịch rõ ràng của người hiến tặng tinh trùng và tình trạng pháp lý phức tạp, nhiều phụ nữ Nhật chuyển sang mua tinh trùng ngoại.
Theo Japan Times , hơn 150 phụ nữ Nhật Bản đã mua tinh trùng từ một ngân hàng tinh trùng lớn có trụ sở tại Đan Mạch, trong bối cảnh không có các quy tắc về giao dịch kinh doanh liên quan đến tinh trùng và buồng trứng. Mamoru Tanaka, giáo sư sản khoa tại Bệnh viện Đại học Keio, cho biết việc hiến và nhận tinh trùng qua Internet luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, và các vấn đề di truyền. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro, thị trường hiến tặng và mua bán tinh trùng trực tuyến đang ngày càng nở rộ.
Rui Kakyoin (35 tuổi) - một họa sĩ truyện tranh xác định mình vô tính (không có ham muốn tình dục). Kakyoin đã từng cân nhắc việc nhận con nuôi, nhưng cuối cùng cô đã quyết định sử dụng ngân hàng tinh trùng ở Mỹ vào 4 năm trước. "Để bảo vệ quyền con người của trẻ em, Nhật Bản cần thiết lập một môi trường cho phép cung cấp tinh trùng an toàn từ người hiến tặng ngay lập tức", Kakyoin nói.
Cryos International, ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới với khoảng 1.000 người đăng ký hiến tặng, đã ra mắt dịch vụ tư vấn tại Nhật Bản vào tháng 2/2019 nhằm mở rộng hoạt động ở đây. Công ty cho biết đã cung cấp tinh trùng cho các cá nhân ở 30/47 tỉnh thành của Nhật Bản, bao gồm phụ nữ độc thân, nhóm thiểu số tình dục và các cặp vợ chồng vô sinh trong hơn một năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận