Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, mọi phát hiện về một loài virus mới từ động vật đều rất đáng lưu tâm, đặc biệt khi virus này có thể “nhảy loài”, lây truyền cho con người và tạo nên nguy cơ về một đại dịch mới.
Virus này lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 2019, khi một người đàn ông 41 tuổi phải nhập viện vì sốt và đau chân sau khi bị bọ ve cắn, khi đi dạo trong một khu rừng địa phương ở Hokkaido. Anh ta đã được điều trị và xuất viện sau 2 tuần, nhưng các xét nghiệm cho thấy anh ta không bị nhiễm bất kỳ loại virus nào được ghi nhận trong y học trước đó, do bọ ve trong vùng gây ra.
Năm sau, một bệnh nhân khác cũng được điều trị vì các triệu chứng tương tự sau khi bị bọ ve cắn.
Các phân tích gen của virus trong mẫu máu của 2 bệnh nhân sau đó đã được xác định là virus Yezo (đặt theo tên trước đây của Hokkaido, một hòn đảo lớn ở phía Bắc Nhật Bản).
Sau đó, các nhà khoa học Nhật Bản đã lật lại xét nghiệm mẫu máu của những bệnh nhân khác tại bệnh viện này, cùng có triệu chứng tương tự sau khi bị ve cắn kể từ năm 2014, và phát hiện thêm 5 bệnh nhân nhiễm virus Yezo.
Một cuộc nghiên cứu lớn được bắt đầu từ đó.
Trong quá trình truy tìm nguồn gốc của virus, họ đã tìm thấy kháng thể đối của virus ở hươu và gấu trúc Hokkaido, đồng thời cũng thấy được RNA Yezo ở 3 loài ve chính ở Hokkaido.
Virus Yezo có liên quan chặt chẽ với virus Sulina và virus Tamdy, từng được phát hiện lần lượt ở Romania và Uzbekistan. Một số nghiên cứu cho thấy rằng virus Tamdy đã gây sốt cấp tính cho người dân ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các bệnh truyền qua ve như bệnh Lyme, bệnh lê dạng trùng… là một mối đe dọa toàn cầu.
Keita Matsuno, nhà virus học tại Viện Kiểm soát bệnh động vật thuộc Đại học Hokkaido, cho biết: kể từ năm 2014 đến nay có ít nhất 7 người dân sống tại Nhật Bản đã bị nhiễm loại virus mới này, nhưng hiện tại vẫn chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Mặc dù thế, theo nhà virus Matsuno thì Yezo dường như đã phân bố ở khắp Hokkaido, và rất có thể trở thành nguy cơ tạo nên một dịch bệnh lớn khi nó có thể nhảy loài, truyền từ động vật sang con người thông qua vết cắn của bọ ve.
Hiện tại, giới khoa học Nhật Bản vẫn đang khẩn trương nghiên cứu truy tìm nguồn gốc và tìm cách tiêu diệt, khống chế virus này. Trong công bố trên tạp chí Nature Communications hồi đầu tháng 10 năm nay, nhóm nhà khoa học khuyến cáo các bệnh viện không chỉ tại Nhật Bản mà nhiều quốc gia khác, nên chú ý đến các bệnh nhân có triệu chứng cho thấy nhiễm trùng Yezo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận