Điều dưỡng viên nước ngoài làm việc tại Nhật Bản - Ảnh: The Japan Times
Nhật Bản vừa quyết định nới lỏng các quy định về cấp thị thực cho điều dưỡng viên nước ngoài đến từ các nước có ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với nước này.
Theo đó, các điều dưỡng viên nước ngoài tới Nhật Bản theo các EPA, có khoảng 4 năm kinh nghiệm làm việc và đào tạo ở Nhật Bản có thể chuyển sang tư cách cư trú của lao động có "kỹ năng đặc thù" mà nước này đã bắt đầu áp dụng từ ngày 1-4-2019.
Các trường hợp này không cần phải vượt qua kỳ thi quốc gia như trước đây miễn là đáp ứng được một số điều kiện nhất định như trả lời được ít nhất 50% câu hỏi trong kỳ thi kiểm tra kỹ thuật điều dưỡng gần nhất.
Nhật báo Yomiuri cho biết theo quy định trước đây, để được coi là lao động có "kỹ năng đặc thù", các điều dưỡng viên phải vượt qua kỳ thi sát hạch tiếng Nhật và kỳ thi kỹ thuật điều dưỡng mới mà nước này mới đưa vào áp dụng từ tháng 4-2019 và có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong vai trò thực tập sinh kỹ thuật trong ngành điều dưỡng ở Nhật Bản (tính từ năm 2018). Các điều dưỡng viên sẽ phải hồi hương nếu họ không vượt qua kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ Nhật Bản muốn tận dụng các lao động nước ngoài có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực điều dưỡng để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực này. Vì vậy, Nhật Bản đã bổ sung thêm quy định mới này.
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng và chăm sóc y tế. Theo dự báo, nước này sẽ thiếu khoảng 340.000 điều dưỡng viên vào tài khóa 2025.
Để khắc phục tình trạng này, kể từ tài khóa 2008, Nhật Bản đã tiếp nhận các điều dưỡng viên theo các EPA. Đến nay, có khoảng 4.300 điều dưỡng viên đến từ Việt Nam, Indonesia và Philippines đã đến làm việc ở nước này.
Họ được phép làm việc ở Nhật Bản trong thời gian tối đa 5 năm và trong thời gian đó, họ phải hai lần tham gia kỳ thi quốc gia dành cho các điều dưỡng viên.
Cho đến nay, có 1.724 điều dưỡng viên nước ngoài đã tham gia kỳ thi quốc gia, trong đó có 985 người đỗ và 739 người bị trượt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận