18/08/2024 18:44 GMT+7

Nhật Bản hướng tới ‘xuất khẩu’ bí quyết chăm sóc sức khỏe

Nhật Bản sẽ thành lập một trung tâm chăm sóc sức khỏe vào năm 2025, trong nỗ lực nhằm ‘xuất khẩu’ các bí quyết chăm sóc sức khỏe sang các nước đang phát triển.

Nhật Bản hướng tới ‘xuất khẩu’ bí quyết chăm sóc sức khỏe - Ảnh 1.

Nhật Bản, một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, hướng tới ‘xuất khẩu’ bí quyết chăm sóc sức khỏe - Ảnh: NIKKEI ASIA

Theo báo Nikkei Asia, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Bộ Tài chính Nhật Bản phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thành lập trung tâm bảo hiểm sức khỏe toàn cầu (UHC) vào năm 2025 để “xuất khẩu” các bí quyết chăm sóc sức khỏe sang các nước đang phát triển.

"Xuất khẩu" bí quyết chăm sóc sức khỏe

Cụ thể, UHC đảm nhận nhiệm vụ đào tạo các quan chức y tế đến từ những nước đang phát triển, nhằm tiến đến thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, giúp nâng cao tiêu chuẩn y học toàn cầu.

Trung tâm này cũng giúp tất cả mọi người đều nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản phù hợp với chi phí phải chăng.

Các viên chức y tế từ những nước đang phát triển sẽ tìm hiểu về bảo hiểm sức khỏe và hệ thống y tế của Nhật Bản, cũng như các thách thức mà toàn ngành y tế đang phải đối mặt. 

Từ đây, các viên chức này thiết kế những chương trình chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện của từng quốc gia.

Các viên chức tài chính của những quốc gia đang phát triển cũng được mời tham dự chương trình tìm hiểu về các vấn đề như cách đảm bảo nguồn tài chính cho an sinh xã hội.

Để chuẩn bị cho UHC, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Keizo Takemi đã đến thăm thành phố Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 5 vừa qua và gặp gỡ các bên liên quan, trong đó có Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Người dân Nhật Bản chi trả chi phí y tế ít hơn so với những nơi khác. 

Cụ thể, chi tiêu cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe chỉ chiếm 2,4% tổng tiêu dùng của một hộ gia đình Nhật Bản. 

Con số này tương đối thấp hơn mức bình quân 3,3% của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Mặc dù Tokyo vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về hiệu quả, tính linh hoạt và chi phí y tế nhưng Nhật Bản từ lâu đã nỗ lực phát triển một hệ thống giúp giảm gánh nặng chi tiêu y tế cho người dân.

Điều này cũng góp phần giúp người dân Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất trong số các nước phát triển.

Nỗ lực xuất khẩu thiết bị y tế Nhật Bản

Cũng theo Nikkei Asia, hệ thống an sinh xã hội ở các nước đang phát triển hiện tồn tại vô số vấn đề. Điển hình như Ấn Độ thiếu hệ thống bảo hiểm sức khỏe cho tất cả người dân, và nhiều người ở đó không được chăm sóc đầy đủ. 

Trong khi đó, Indonesia và Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng hệ thống chăm sóc dành cho tất cả người dân.

Ngoài Nhật Bản, hiện chỉ có một số quốc gia châu Âu và Hàn Quốc có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe công cộng dài hạn. 

Trong khi các nước đang phát triển như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ hoàn toàn không có chương trình công cộng hỗ trợ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Nếu hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Nhật Bản lan rộng sang các quốc gia khác, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến cũng sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho các công ty thiết bị y tế Nhật Bản và các công ty khác của nước này tham gia thị trường toàn cầu.

Vì thế, ngoài các nỗ lực hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, UHC còn nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu thiết bị y tế của Nhật Bản ra thị trường thế giới

Chính phủ Nhật Bản đã bắt tay vào nỗ lực mở rộng hệ thống bảo hiểm sức khỏe của Nhật Bản ra nước ngoài.

Nhật Bản hướng tới ‘xuất khẩu’ bí quyết chăm sóc sức khỏe - Ảnh 3.Nhật Bản sẽ thiếu gần 1 triệu nhân viên y tế

TTO - Báo cáo mới của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nước này đang đối mặt với áp lực thiếu hụt đội ngũ y tế nghiêm trọng, và sẽ thiếu gần 1 triệu nhân viên vào năm 2040.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên