|
||
Cổng chào của đền thờ cổ Aso - một điểm văn hóa cấp quốc gia của Nhật - đã sụp đổ - Ảnh: Reuters |
Người dân đảo Kyushu, miền nam Nhật Bản chưa hết choáng váng sau trận động đất mạnh 6,4 độ Richter ngày 15-4 thì sáng hôm sau lại tiếp tục hứng chịu trận động đất mạnh 7,3 độ Richter làm rung chuyển cả khu vực.
Những con số không mong chờ cứ tiếp tục tăng. Tính đến tối 16-4, đã có ít nhất 32 người chết, hơn 900 người bị thương với nhiều trường hợp bị thương nặng và nhiều người còn mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết gần 80 người bị kẹt hoặc đã bị chôn vùi dưới các đống đổ nát. Theo ông Suga, Chính phủ Nhật sẽ điều thêm 20.000 binh sĩ, lính cứu hỏa, cảnh sát cũng như nhân viên y tế đến giúp dân trong ngày hôm nay (17-4).
Không có gì quan trọng hơn mạng người và phải chạy đua với thời gian. Tôi muốn các hoạt động cứu hộ tiếp tục với nỗ lực tối đa |
Thủ tướng Nhật SHINZO ABE |
Thiệt hại nặng
Gần 600.000 hộ gia đình ở gần tâm chấn đã mất điện và nước hoàn toàn. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để phản ứng nhanh với trận thiên tai này” - ông Suga cho biết.
Quan chức tỉnh Kumamoto, ông Tomoyuki Tanaka thừa nhận số người chết còn có thể tăng cao do lực lượng cứu hộ chưa đến được nhiều điểm bị đổ sập.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn của trận động đất nằm gần thành phố Kumamoto trên đảo Kyushu và ở độ sâu chỉ 10km nên thiệt hại quanh khu vực này rất lớn.
Mạng lưới giao thông quanh khu vực động đất bị thiệt hại khá nặng với một cây cầu trên đường cao tốc bị hư hại, một đường hầm bị sập, các con đường bị bít lối vì đất đá đổ xuống và dịch vụ xe lửa gần như tê liệt.
Cả sân bay Kumamoto cũng phải đóng cửa. Trận động đất kinh hoàng cũng đã gây lở đất lớn, cuốn trôi nhiều ngôi nhà và cắt đứt đường cao tốc ở Minamiaso.
Không giống như trận động đất xảy ra một ngày trước đó làm sập phần lớn những căn nhà cũ, trận động đất vào rạng sáng 16-4 lại gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các tòa nhà mới xây, thậm chí giật sập nhiều tòa nhà cao tầng ở khắp tỉnh Kumamoto.
Ông Katsuyoshi Seimiya, thuộc báo Mainichi của Nhật, cho Tuổi Trẻ biết rằng Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo các trận mưa lớn tại tỉnh Kumamoto sẽ kéo dài từ đêm 16-4 sang ngày hôm sau, làm tăng nguy cơ lở bùn đất tại những khu vực vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất.
Đôi vợ chồng khóc ngất khi hay tin con gái bị chết trong ngôi nhà của họ đã bị đổ sập - Ảnh: Reuters |
Rung lắc hàng giờ
Có hơn 230 cơn dư chấn có cường độ lên đến 6 độ Richter ngay sau trận động đất rạng sáng 16-4. Những cư dân địa phương cho biết cảm thấy mặt đất như rung lắc hàng giờ không ngừng sau động đất.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhà địa lý thuộc USGS John Bellini cảnh báo: “Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều dư chấn có cường độ hơn 5 độ Richter. Và trong vài ngày, thậm chí vài tuần tới, có lẽ chúng tôi không bất ngờ khi thấy có thêm những trận động đất mạnh như thế này”.
Đài truyền hình NHK của Nhật cho biết lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian đào xuyên qua những đống đổ nát của các tòa nhà, bùn và đất đá do động đất gây ra để tìm kiếm người sống sót còn mắc kẹt bên dưới.
Tuy nhiên, dư chấn liên tục đang gây khó khăn cho công tác cứu hộ và làm tăng nỗi lo sợ sẽ xuất hiện tiếp các trận động đất mạnh tương tự.
Đài truyền hình TV Asahi chiếu cảnh lính cứu hộ đang ra sức tìm kiếm giải cứu 11 người mắc kẹt (trong đó có cả sinh viên) trong một tòa nhà nằm gần khuôn viên Aso thuộc Đại học Tokai, ở thị trấn Minami Aso. Còn Đài truyền hình NHK cho biết khoảng 60 người đang mắc kẹt trong một trại dưỡng lão ở Mashiki.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy nhiều khu vực ở đảo Kyushu đã trở nên hoang tàn sau động đất. Nhiều đám lửa bùng cháy từ những khu dân cư và đã có thông tin có người chết trong các đám cháy này.
Hàng loạt công trình công cộng hư hại nặng nề, các trạm điện ngừng hoạt động, cầu sập và mặt đất nứt toạc thành những khe rộng. Cư dân gần một con đập đã được lệnh sơ tán vì chính quyền quan ngại đập bị vỡ.
Lâu đài cổ 400 năm tuổi Kumamoto nằm trên đảo Kyushu cũng bị hư hại nặng. Chính quyền địa phương cảnh báo người dân không được đến gần bức tường của lâu đài, vốn bị động đất giật sập một phần vì sợ sẽ sập thêm.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã được triển khai để phục vụ bữa ăn cho những cư dân bị mất nhà cửa ở thị trấn Mashiki, nằm gần tâm chấn.
Lực lượng cứu hộ Nhật Bản nỗ lực đua với thời gian cứu người bị kẹt trong đống đổ nát sau động đất - Ảnh: AFP |
Còn nhiều người mắc kẹt
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo thiệt hại có thể còn nặng nề hơn và công tác cứu hộ đang cực kỳ khó khăn trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, có thể làm các tòa nhà vốn đã hư hại trong động đất bị yếu hơn và khả năng gây lở đất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-4, anh Trần Phan ở đảo Honsu cho biết anh cũng như những người Nhật Bản ở xung quanh đang mong mọi điều tốt lành cho người dân ở đảo Kyushu. Anh vẫn theo dõi thường xuyên tin tức về tình hình động đất ở khu vực phía nam Nhật Bản.
Trần Phan cho biết động đất thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản nhưng thiệt hại về con người luôn làm anh và những người bạn Nhật đau xót.
Trên truyền hình đã xuất hiện hình ảnh những tòa nhà trên đảo Kyushu tiếp tục rung lắc do dư chấn xuất hiện liên tục trong ngày và núi lửa Aso đã phun trào.
Những nét hoảng sợ còn đọng trên gương mặt của nhiều người bị mất nhà cửa, họ đã tháo chạy thoát thân khi động đất xảy ra.
Giờ đây họ cũng chưa dám về nhà và chấp nhận qua đêm ngoài trời, trên những đồng lúa xung quanh vì lo sợ dư chấn lại xảy ra.
Các nạn nhân phải dùng giấy báo để giữ ấm sau khi chạy vào khuôn viên Trường đại học Kumamoto để đảm bảo an toàn - Ảnh: Reuters |
Đường dây nóng cho người Việt Được tin động đất với cường độ mạnh liên tiếp xảy ra, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản tại Nhật, ngày 16-4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho đến nay chưa có thông tin người Việt Nam là nạn nhân của các vụ động đất. Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản đã mở 3 đường dây nóng (+81) 80 3590 9136 (số hotline của đại sứ quán), (+81) 80 3984 6668 và (+81) 80 3904 0198 để tiếp nhận những thông tin liên quan đến tình hình công dân Việt Nam nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khẩn cấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận