Phát biểu cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12-1 (giờ Mỹ), Thủ tướng Kishida không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc, nhưng e ngại tình hình Ukraine có thể diễn ra ở nơi khác, bao gồm châu Á.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định bối cảnh mới đòi hỏi nước này phải tăng cường sức mạnh quân sự.
Mối lo xung đột Trung Quốc và Đài Loan
Ông Kishida đã có chuyến thăm Washington, nơi lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng.
Tại Nhà Trắng hôm 12-1, Tổng thống Biden bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới của Chính phủ Nhật Bản.
Đồng thời, ông Biden khẳng định: "Cho phép tôi nói rõ ràng: Mỹ cam kết đầy đủ, trọn vẹn và hoàn toàn đối với quan hệ đồng minh và quan trọng hơn nữa là với vấn đề quốc phòng của Nhật Bản".
Từ sau Thế chiến II, Nhật Bản đã theo đuổi chủ nghĩa hòa bình. Nhưng các đợt thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên và việc mở rộng năng lực quân sự của Trung Quốc được cho "đã khiến Tokyo thay đổi cách tiếp cận".
Trong phát biểu sau cuộc gặp ông Biden ở Nhà Trắng, ông Kishida nhận xét chiến lược quốc phòng của chính quyền hiện tại là "một bước ngoặt lịch sử" trong liên minh Mỹ - Nhật.
"Cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine đã đánh dấu kết thúc hoàn toàn thế giới hậu Chiến tranh lạnh. Nếu chúng ta không thách thức sự thay đổi hiện trạng đơn phương này, nó sẽ xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm châu Á", ông Kishida nói tại Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc ĐH Johns Hopkins.
Truyền thông quốc tế cho rằng hiện nay động cơ lớn nhất khiến Nhật tăng chi tiêu quốc phòng bao gồm "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, và nguy cơ Trung Quốc xung đột Đài Loan.
Chính vì vậy, trong bản tin hôm 13-1, AFP cho rằng ông Kishida đang cảnh báo cuộc chiến của Nga sẽ "khuyến khích" Trung Quốc làm điều tương tự ở Đài Loan hoặc châu Á.
Khi nhận định về mối quan hệ với Trung Quốc, thủ tướng Nhật khẳng định đây là "thách thức lớn nhất cho cả Nhật Bản và Mỹ".
Thông điệp gửi Trung Quốc và tình hình Đài Loan
Nhật Bản đã hưởng ứng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga vì cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Theo ông Kishida, đây là "sự thay đổi lớn" trong chính sách của Nhật Bản với Nga. Việc Nhật Bản hưởng ứng phương Tây khiến đây không còn là sự đối đầu giữa phương Tây với Nga, mà là sự đối nghịch trên toàn cầu.
Ông nói thêm: "Việc tham gia của Nhật Bản vào các biện pháp nhắm vào Nga đã biến cuộc chiến chống lại hành động của Nga ở Ukraine từ một cuộc chiến xuyên Đại Tây Dương trở thành một cuộc chiến toàn cầu".
Sạu cuộc gặp, tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật cũng kêu gọi duy trì "hòa bình và ổn định" ở eo biển Đài Loan.
Từ giữa năm nay, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự quanh đảo Đài Loan. Căng thẳng leo thang sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan - một động thái ngoại giao cấp cao ở nơi Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận