Ngọn lửa Olympic được lưu giữ trong đèn lồng trong triển lãm đặc biệt “Ngọn lửa phục hồi” tại khu công viên thủy sinh Aquamarine Fukushima ở Iwaki, tỉnh Fukushima ngày 25/3/2020. Ảnh: dailymail.co.uk
Ông Katsuhiro Miyamoto - Giáo sư Danh dự thuộc Đại học Kansai ước tính rằng việc tổ chức Olympic và Paralympic mà không có khán giả sẽ gây thiệt hại 381,3 tỷ yen chi phí liên quan trực tiếp tới các thế vận hội này, vốn chiếm khoảng 90% trong tổng chi phí tổ chức trong điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, do sự quan tâm của khán giả đối với các sự kiện thể thao này không tăng, tác động kích thích chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Olympic và Paralympic sẽ giảm 50%, xuống còn 280,8 tỉ yen, trong khi các công ty sẽ giảm hoạt động tiếp thị.
Mặt khác, Giáo sư Miyamoto cho biết lợi ích kinh tế từ các sự kiện quảng bá thể thao và văn hóa sau các thế vận hội này cũng giảm 50% xuống còn 851,4 tỉ yen. Điều này sẽ khiến nhu cầu du lịch yếu đi và giảm cơ hội kinh doanh.
Trước đó, đài truyền hình NHK tiết lộ tổng chi phí của Chính phủ Nhật Bản dành cho việc tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo vào mùa Hè tới có thể sẽ lên tới hơn 390 tỉ yen, tương đương khoảng 3,76 tỉ USD. Con số này bao gồm các chi phí từ tài khóa 2013, khi Tokyo được lựa chọn làm thành phố đăng cai các thế vận hội này, đến tài khóa 2021.
Trong khi đó, theo hãng tin Jiji Press, trong 1.644 tỷ yen kinh phí tổ chức Olympic và Paralympic vào mùa Hè tới, chính quyền thủ đô Tokyo sẽ "gánh" khoảng 717 tỷ yen, trong đó có các chi phí phát sinh từ việc lùi thời gian tổ chức các sự kiện này vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào năm ngoái.
Giới chức thành phố đang rất quan ngại về tình hình tài chính bởi cho đến nay, chính quyền thành phố đã chi hơn 2.000 tỉ yen cho cuộc chiến chống dịch COVID-19, trong khi nguồn thu từ thuế dự kiến sẽ giảm.
Trong dự thảo ngân sách tài khóa 2021 có tổng trị giá khoảng 7.425 tỉ yen - cao thứ 2 trong lịch sử, chính quyền Tokyo không đưa vào các khoản chi phí phát sinh liên quan tới việc đăng cai Olympic và Paralympic (khoảng 120 tỉ yen). Các khoản chi phí đó chủ yếu sẽ được bù đắp bởi các quỹ thặng dư trong tài khóa 2019 chuyển sang.
Trong một diễn biến liên quan, sự bùng phát của dịch COVID-19 đang phủ bóng đen lên các hoạt động rước đuốc trước thềm Olympic, dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 25/3, trong bối cảnh chính quyền các địa phương nằm trên đường rước đuốc đang chật vật đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8, trong khi Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận