Người dân Tokyo đi mua thịt - Ảnh: REUTERS
Trao đổi với các phóng viên ngày 28-10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói muốn bảo vệ sinh kế, việc làm và doanh nghiệp của người dân, đồng thời củng cố nền kinh tế trong tương lai. Ông Kishida kỳ vọng gói kích thích sẽ giúp GDP tăng thêm 4,6%.
Nhật Bản - quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới - đã bơm hàng trăm tỉ đô la vào nền kinh tế trong hai năm qua để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Giá cả ở Nhật Bản đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua, mặc dù tỉ lệ lạm phát ở mức 3% vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ hay một số nước phương Tây khác.
Gói kích thích kinh tế công bố ngày 28-10 bao gồm các biện pháp khuyến khích tăng lương và hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình, vốn tăng vọt kể từ khi nổ ra chiến sự Ukraine.
Chính phủ có kế hoạch giảm 7 yen/kilowatt trên hóa đơn điện của các gia đình, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được khoảng 2.800 yen/tháng. Các công ty sẽ nhận được giá điện hỗ trợ 3,5 yen/kWh.
Đối với giá xăng dầu tại thành phố, chính phủ sẽ hỗ trợ mức giá 30 yen/m3 tiêu thụ, giúp một gia đình trung bình tiết kiệm khoảng 900 yen/tháng.
Theo tính toán, gói kích thích sẽ giúp một gia đình Nhật Bản trung bình tiết kiệm hóa đơn điện, xăng 45.000 yen (305 USD) trong 9 tháng, hạn chế lạm phát tiêu dùng gia tăng khoảng 1,2%.
Gói kích thích cũng nhắm tới doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đồng yen giảm mạnh, với tỉ giá hiện 1 USD đổi được 147 yen Nhật.
Trong tháng 9, Nhật Bản chi gần 20 tỉ USD nhằm ổn định tỉ giá. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết việc đồng yen giảm giá nhanh chóng gần đây là điều "tiêu cực đối với nền kinh tế Nhật Bản".
Hội đồng chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định nâng dự báo lạm phát ở Nhật Bản trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3-2023) từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 2,4% xuống còn 2%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận