Xin chào toàn thể người dân Việt Nam. Tôi là Kishida Fumio, thủ tướng Nhật Bản.
Từ trái tim đến trái tim
Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong một năm qua, hơn 500 sự kiện kỷ niệm đã và đang được tổ chức ở cả hai nước, mỗi ngày có nhiều hơn một sự kiện kỷ niệm 50 năm diễn ra tại Nhật Bản hoặc Việt Nam.
Điều đó khiến tôi cảm nhận được tình cảm gắn bó sâu sắc giữa người dân hai nước. Chắc hẳn nhiều người trong số quý vị đã từng tham gia các lễ hội Nhật Bản được tổ chức ở các tỉnh thành của Việt Nam.
Nhân đây, tôi xin bày tỏ cảm ơn tới người dân Việt Nam vì đã nhiệt liệt hưởng ứng các sự kiện và góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Bắt đầu từ hôm nay, ngày 16-12, tôi sẽ chào đón nguyên thủ các quốc gia ASEAN, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến Tokyo nhân dịp Nhật Bản chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản - ASEAN.
Cách đây nửa thế kỷ, vào năm 1973, với tư cách là quốc gia đầu tiên bắt đầu cơ chế đối thoại với ASEAN, Nhật Bản đã đồng hành cùng các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trên con đường phát triển và hội nhập của ASEAN.
Cho đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ sự phát triển của khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, thông qua việc hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Nhật Bản và ASEAN là đối tác thương mại lớn của nhau và Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ hai của ASEAN sau Mỹ.
Trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp trung bình hằng năm của Nhật Bản vào các nước ASEAN đạt khoảng 2.800 tỉ yen (19,7 tỉ USD), và có khoảng 15.000 cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đặt tại các nước ASEAN.
Các doanh nghiệp này không chỉ kết hợp sức tăng trưởng ấn tượng của ASEAN vào nền kinh tế Nhật Bản mà còn đang tạo ra hàng loạt sản phẩm, dịch vụ và cơ hội việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại các quốc gia ASEAN.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN, trong đó có mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, không chỉ giới hạn ở trao đổi thương mại. Nền tảng của quan hệ Nhật Bản - ASEAN với tư cách là những người bạn chân thành chính là mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau trên tinh thần gắn kết "từ trái tim đến trái tim", vốn được vun đắp suốt thời gian dài thông qua hoạt động giao lưu nhân dân trên các lĩnh vực sâu rộng.
Các hoạt động giao lưu phong phú như Chương trình trao đổi thanh niên JENESYS liên tục được triển khai ở cả khu vực công và tư nhân. Tính đến nay, Nhật Bản đã tiếp nhận khoảng 40.000 du học sinh từ khu vực ASEAN theo diện học bổng chính phủ.
Ngoài ra, trong những năm qua, hàng loạt hoạt động khác đã được thực hiện như Chương trình phái cử tình nguyện viên hợp tác hải ngoại của JICA, Chương trình phái cử cộng sự tiếng Nhật thuộc "Dự án WA về văn hóa" và nhiều sự kiện giao lưu của khu vực tư nhân.
Vì một thế giới hòa bình, ổn định
Nhật Bản và ASEAN đã trải qua nhiều thử thách, trong đó có khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, trận động đất lớn ngoài khơi đảo Sumatra và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, thảm họa động đất sóng thần xảy ra tại miền đông Nhật Bản năm 2011 và đại dịch COVID-19 bắt đầu từ năm 2019. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nhật Bản và ASEAN đều chung tay giúp đỡ lẫn nhau, cho thấy hai bên là những "đối tác đáng tin cậy" của nhau.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang đứng trước một bước ngoặt của lịch sử, trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng.
Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp và đa lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, số hóa và quản trị trí tuệ nhân tạo (AI).
Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các thành viên của ASEAN dựa trên "sự tin cậy" mạnh mẽ để "cùng kiến tạo" một tương lai thịnh vượng, bền vững, một thế giới hòa bình, ổn định, nơi mọi người được sống trong sự tự do và tôn trọng.
Để khép lại năm kỷ niệm 50 năm, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt với sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia ASEAN nhằm tổng kết nửa thế kỷ quan hệ Nhật Bản - ASEAN, đưa ra tầm nhìn mới cũng như kế hoạch hợp tác cụ thể trong tương lai.
Đặc biệt, Nhật Bản mong muốn đề xuất các chương trình giao lưu nhân dân toàn diện để các thế hệ sau tiếp nối và củng cố quan hệ đối tác "từ trái tim đến trái tim", các sáng kiến mới nhằm chung tay tạo ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội chung của Nhật Bản và ASEAN, các cơ chế giúp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu như thúc đẩy hơn nữa sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, cũng như hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp.
Tôi mong muốn Hội nghị cấp cao đặc biệt mang tính lịch sử này trở thành một "cơ hội vàng" để trao truyền "tình hữu nghị vàng" giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ tiếp theo.
Mong thảo luận với Thủ tướng Phạm Minh Chính
Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản trong việc hiện thực hóa "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân vào tháng 11 vừa qua, quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới này, tôi mong muốn tiến hành thảo luận cụ thể với Thủ tướng Phạm Minh Chính để tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ chiến lược Nhật Bản - Việt Nam, đồng thời định hình phương hướng hợp tác hướng tới 50 năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm tỉnh Gunma
Hôm nay (16-12), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có ngày làm việc bận rộn tại Tokyo, với sự kiện đáng chú ý là cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Đây là hội đàm cấp thủ tướng đầu tiên sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11 vừa qua.
Thủ tướng sẽ dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật, Hội nghị xúc tiến hợp tác lao động Việt - Nhật, ăn sáng và làm việc với 10 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về vi mạch cùng với lãnh đạo FPT, gặp và trao đổi với lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật...
Trong ngày hôm qua, ngay khi đến sân bay Haneda, Thủ tướng đã lên đường đến thăm tỉnh Gunma, nơi có cộng đồng 12.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất của tỉnh. Tại đây, Thủ tướng đã thăm và trò chuyện với lãnh đạo, người lao động Công ty Shibata Gousei.
Đây là doanh nghiệp tiêu biểu về tự động hóa và sản xuất thân thiện môi trường, hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, gia công ép nhựa, chế tạo khuôn mẫu cho bộ phận nhựa nội thất ô tô. Hiện có 30 công nhân, kỹ sư người Việt Nam làm việc tại đây.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gửi lời cảm ơn và mong muốn lãnh đạo công ty tiếp tục tiếp nhận thêm lao động Việt Nam, luôn quan tâm và tạo điều kiện để các kỹ sư, nhân viên người Việt Nam sinh sống, làm việc thuận lợi, nâng cao tay nghề, được học hỏi những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.
"Tôi xin thay mặt doanh nghiệp và người dân Gunma cảm ơn những đóng góp của các kỹ sư, lao động Việt Nam", Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichita nói khi vui mừng gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trao đổi với thống đốc Gunma và các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tỉnh Gunma với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng, đồng thời khai phá những lĩnh vực hợp tác mới.
LÊ KIÊN (từ Gunma, Nhật Bản)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận