15/09/2017 11:39 GMT+7

Nhật, Ấn đã bỏ lỡ cơ hội kiềm chế Trung Quốc

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Trong bài xã luận đăng trên báo India Times, cựu đại sứ Ấn Độ tại Nhật Hemant Krishan Singh tỏ ra thất vọng vì Tokyo và New Delhi đã bỏ qua "một cơ hội lớn" tạo nên sức mạnh đối trọng với Trung Quốc.

Nhật, Ấn đã bỏ lỡ cơ hội kiềm chế Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi ôm thắm thiết Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 14-9 ở TP Gandhinagar của Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh thường nhiên Ấn - Nhật lần thứ 12 tổ chức tại TP Gandhinagar của Ấn Độ ngày 14-9 đã đánh dấu một vài tiến triển trong "quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt" giữa hai nước. 

Sự kiện này cũng chứng kiến ngón ngoại giao cá nhân chưa từng thấy và mối quan hệ "xuất chúng" giữa Thủ tướng Nerandra Modi và nhà lãnh đạo Nhật Shinzo Abe.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các yêu sách "chủ quyền lịch sử", tuyên bố đơn phương và hành động bành trướng quân sự, vốn đang làm mất ổn định cả châu Á. 

Không ai hiểu điều này rõ hơn Ấn Độ và Nhật Bản. 

Giữa những bất định về khả năng can thiệp của Mỹ tại khu vực châu Á, cả ông Modi và Abe đều đầu tư cho mối quan hệ riêng với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, càng về sau, Ấn Độ và Nhật sẽ phải đóng góp nhiều hơn nữa để đảm bảo thế cân bằng và trật tự đa cực ở châu Á. 

Chỉ có sức mạnh chiến lược, kinh tế và quân sự của hai nước gộp lại  mới đủ sức trung hòa cách hành xử của Trung Quốc và thúc đẩy một trật tự tuân theo luật pháp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Riêng ở khía cạnh này, điều đáng buồn là hội nghị không cho thấy có sự tiến triển nào.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết giữ vững "mối quan hệ đối tác dựa trên giá trị, hướng tới một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phồn vinh; nơi chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng; nơi sự khác biệt được giải quyết thông qua đối thoại…".

Để đóng góp cho trật tự nói trên, ông Modi và Abe đồng ý phối hợp chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" của Nhật và chiến lược "Hành động phương Đông" của Ấn Độ, song song đó tăng cường hợp tác an ninh/quốc phòng. 

Tuy nhiên, một cách cụ thể thì mối quan hệ quốc phòng giữa hai bên không có sự đột phá nào lớn ngoài việc bổ sung thêm một số cuộc tập trận chung.

Nhật, Ấn đã bỏ lỡ cơ hội kiềm chế Trung Quốc - Ảnh 2.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của Nhật đặt tại khu vực thủ đô Tokyo - Ảnh: REUTERS

Hợp tác song phương về trang bị và kỹ thuật quốc phòng chỉ là một đề án đang diễn ra. Sau 4 năm, lời đề nghị của Nhật bán 2 chiếc máy bay lưỡng cư ShinMaywa US-2 vẫn đang dậm chân ở thương lượng. 

Nếu không có được mối quan hệ quốc phòng gắn kết hơn, viễn cảnh về một liên minh Ấn Độ - Nhật Bản khá mơ hồ.

Thực tế cho thấy những giới hạn và hoàn cảnh trong nước đang trở thành yếu tố cản trở sự phát triển quan hệ chiến lược/quốc phòng Ấn - Nhật.

Tại Nhật, thậm chí với Thủ tướng Abe cầm trịch, sự kết hợp giữa sức ép chính trường và dư luận phản chiến khiến việc đưa ra quyết định không hề dễ dàng. 

Tại Ấn Độ, bộ máy quốc phòng thì thất bại trong việc ưu tiên đưa ra các quyết định chiến lược, thay vào đó cứ tập trung vào "nguyên tắc và quy trình".

Cùng với việc gia tài chính trị của Thủ tướng Abe đã giảm phần nào và Thủ tướng Modi đang đối mặt với cuộc bầu cử năm 2019, dường như sự thận trọng chính trị ở cả hai phía đã bắt đầu biểu hiện rõ hơn. 

Trên khía cạnh nồng ấm và sự tin tưởng lẫn nhau thì hội nghị thượng đỉnh Ấn - Nhật mới nhất quả là đáng ghi nhận. Nhưng nếu xét trong hoàn cảnh hậu Doklam thì đây cũng là một cơ hội bỏ lỡ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên