Phóng to |
Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel, Ngoại trưởng Mỹ Kerry, Thủ tướng Nhật Abe, Ngoại trưởng Nhật Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera gặp nhau tại Tokyo ngày 3-10 - Ảnh: Reuters |
AFP cho biết cuộc họp 2+2 của Ủy ban Tham vấn an ninh Mỹ - Nhật diễn ra hôm 3-10 ở Tokyo có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng người đồng cấp Nhật Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera.
“Sự liên minh này, điều mà chúng tôi tin là liên minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực, chưa được điều chỉnh kể từ năm 1997 - ông Kerry mở đầu cuộc họp - Rất nhiều thứ đã thay đổi trong thời điểm hiện nay. Có nhiều mối đe dọa khác nhau và nhiều kiểu đe dọa khác nhau. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta nhận ra rằng liên minh song phương này vẫn là một yếu tố sống còn cho các chiến lược an ninh tương ứng của chúng ta”.
Nhật không còn là mắt xích yếu
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel không giấu giếm: “Mục tiêu của chúng tôi là một liên minh cân bằng và hiệu quả hơn”. Động thái hiện đại hóa liên minh này diễn ra trong bối cảnh Mỹ muốn tái cân bằng lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Giới quan sát nhìn nhận việc Washington mong muốn Tokyo đóng một vai trò quốc phòng lớn hơn cũng ăn khớp với thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vì ông là nhân vật được đánh giá quyết đoán hơn trong các vấn đề an ninh như tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Theo AFP, trong bài phát biểu ở New York (Mỹ) tuần trước, ông Abe tuyên bố Nhật sẽ không còn là một “mắt xích yếu” đối với đồng minh Mỹ cũng như an ninh toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Onodera phát biểu thẳng thắn rằng Tokyo chia sẻ quan ngại về các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và việc các nước châu Á khác cũng đang căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề về biển. “Trong tình hình này, sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á cùng với sự liên minh với Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng cho hòa bình và an ninh trong khu vực” - ông Onodera nói.
Nâng cấp hợp tác
Trong khi đó, như Reuters cho biết, hai nước đã cam kết, trong một bản tuyên bố dài 10 trang, sẽ soạn lại các nguyên tắc trong hợp tác an ninh. Các nguyên tắc này được cho là sẽ tăng cường khả năng đáp trả của hai đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang vào Nhật, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như chống khủng bố, khuyến khích hợp tác an ninh sâu rộng hơn giữa đôi bên, hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh mạng.
Ngoài ra, các máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Mỹ sẽ bắt đầu được điều động luân phiên đến Nhật vào mùa xuân tới, mà theo AP là để giúp theo dõi các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Giới quan sát nhìn nhận động thái này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Các bộ trưởng hai nước cũng đồng ý đặt một hệ thống rađa phòng thủ tên lửa X-band của Mỹ tại căn cứ không quân Kyogamisaki ở Kyoto vào năm sau và chính thức quyết định điều chuyển 5.000 lính thủy đánh bộ của Mỹ từ đảo Okinawa (Nhật) đến đảo Guam (Mỹ) và quần đảo Bắc Mariana.
Hai vấn đề này, như Reuters cho biết, đã được thông báo trước đó nhưng tuyên bố chung hôm qua giữa hai nước mới chính thức nêu vị trí đặt hệ thống rađa phòng thủ tên lửa và chi tiết khoản đóng góp của Nhật trong việc điều chuyển quân Mỹ. Nhật đồng ý đóng góp 3,1 tỉ USD trong số 8,6 tỉ USD cho việc chuyển quân này, bao gồm cả chi phí phát triển các cơ sở vật chất mới ở Guam và Bắc Mariana.
Theo các kế hoạch được công bố năm ngoái, như AP cho biết, khoảng 9.000 lính Mỹ đóng ở Okinawa sẽ được chuyển đi. Quyết định này được coi là nỗ lực của Washington trong việc tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dàn trải quân rộng hơn trong khu vực.
Các quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ cũng cho biết vị trí đặt rađa sẽ giúp tăng cường phạm vi theo dõi các tên lửa bắn về phía Nhật Bản cũng như Mỹ.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tập trận chung vào tuần tới trên vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên, AFP dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hôm qua. Quan chức này không đưa ra nhiều chi tiết nhưng nói cuộc tập trận ba bên là nhằm tăng cường hợp tác và cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống như hỗ trợ nhân đạo hay cứu trợ thiên tai. Thông báo tập trận được đưa ra một ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc nói đã vạch ra chiến lược mới để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân và vũ khí hóa học của CHDCND Triều Tiên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận