Phóng to |
Một bạn gái trẻ chích văcxin tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Ảnh: Dương Ngọc |
Ngày 20-12-2013, chị Đinh Thị Hồng Nhung (24 tuổi) và em gái là Đinh Thị Kiều (17 tuổi) đến Viện Pasteur TP.HCM chích văcxin. Chị Kiều chích văcxin ngừa ung thư cổ tử cung lần một, loại Gardasil. Còn chị Nhung chích văcxin loại Cervarix và chích thêm văcxin ngừa viêm gan B (đều là lần hai).
Nhập viện sau khi chích văcxin
Chị Nhung kể: “Về nhà em tôi sốt, phát ban, hai con mắt đỏ cáu, không dám ngủ. Tới ngày 22-12 em gái tôi mê sảng, đưa lên Viện Pasteur thì họ nói bị sốt, phát ban sau chích, cho toa thuốc rồi về. Tới đêm 23-12 thì Kiều hôn mê, chúng tôi đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Còn tôi sau khi chích về thì căng thẳng, khó thở, người mệt. Tới ngày 22-12 tôi cũng bị sốt, phát ban”. Tình trạng nặng hơn, ngày 24-12 chị Nhung cũng nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Theo bệnh án, chị Đinh Thị Kiều được chẩn đoán ban đầu bị viêm não trên sốt phát ban, sẩn hồng ban ở mặt, thân mình và tay chân, nhắm mắt, lay gọi mở mắt nhưng không trả lời, tri giác không tỉnh táo, có hội chứng hưng cảm và được theo dõi rối loạn hành vi chậm phát triển. “Do nghi ngờ bệnh nhân bị viêm não do siêu vi, chúng tôi đã chọc tủy để xét nghiệm nhưng kết quả bình thường” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh (trưởng khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) cho biết. Còn chị Đinh Thị Hồng Nhung thì được ghi nhận: sốt lạnh, đau họng, chóng mặt khi nhắm mắt, amidan đỏ và được chẩn đoán: viêm amidan, đồng thời theo dõi tác dụng phụ của chích ngừa.
Ngày 29-12, bệnh nhân Đinh Thị Hồng Nhung được xuất viện. Riêng em gái chị Nhung vẫn tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến chiều 2-1-2014 mới xuất viện. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh nói thêm: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận trường hợp có phản ứng sau khi tiêm văcxin ngừa virút ung thư cổ tử cung”.
Do sởi, rubella!
Được biết, hai loại văcxin chích cho chị Nhung và chị Kiều nằm trong lô văcxin phòng virút HPV gây ung thư cổ tử cung nhập từ tháng 8-2013 với số lượng 12.000 liều. Viện Pasteur TP.HCM nhận 4.000 liều, đã sử dụng 2.900 liều. Ngày 20-12-2013 (ngày chích văcxin cho hai chị em chị Nhung) có 27 người chích văcxin trong lô này. Sau khi tiếp nhận thông tin, Viện Pasteur TP.HCM đã cử cán bộ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM gặp bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm. “Kết quả cho thấy bệnh nhân mắc sởi và chưa có bằng chứng phản ứng do vắcxin” - PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đặt vấn đề: “Phản ứng do văcxin khó chứng minh nhưng còn do sởi lại rất dễ, do vậy cần làm cho rõ. Chúng tôi đã đề nghị viện nên đưa cho một bên thứ ba làm xét nghiệm. Nếu không người ta sẽ nói anh vừa đá bóng vừa thổi còi”. Song, PGS.TS Phan Trọng Lân khẳng định: “Tổ chức Y tế thế giới công nhận ở Việt Nam chỉ có hai phòng xét nghiệm quốc gia sởi là Viện Pasteur và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Với vai trò của viện chúng tôi, phải tìm đến một đơn vị khác là không cần thiết”.
Đồng thời PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng: “Sau khi rà soát, chúng tôi thấy nhân viên y tế làm đúng quy trình, văcxin được bảo quản đúng quy định. Về mặt tiêm chủng, với cộng đồng là tốt nhưng với cá thể có thể rủi ro. Viện Y khoa Hoa Kỳ năm 2012 kết luận: trong những phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm văcxin HPV chỉ có sốc phản vệ được xem liên quan đến văcxin, còn các phản ứng khác được xem không đủ chứng cứ... Việc có biểu hiện sốt, nổi mẩn là phản ứng phụ có thể gặp khi tiêm văcxin phòng virút HPV gây ung thư cổ tử cung”.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM phân tích: “Do sởi thì ban nổi tuần tự từ mặt, cổ, lưng. Còn nếu do thuốc hoặc yếu tố khác sẽ nổi mẩn đồng loạt và khi dùng thuốc kháng histamin thường giảm nhanh. Nhưng ở trường hợp này vừa sốt xong là nổi ban tuần tự và dùng histamin vẫn không giảm. Với triệu chứng hưng cảm có thể do biến chứng sởi hoặc nguyên nhân khác. Nghiên cứu tại VN và trên thế giới chưa thấy có biểu hiện hưng cảm trong các biến chứng sau tiêm văcxin”.
Trong khi đó ngày 27-12-2013, Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thảo luận và kết luận: đây là trường hợp không điển hình của sởi, của rubella. PGS.TS Phan Trọng Lân vẫn cho rằng nếu không cẩn thận trước những phán đoán sẽ ảnh hưởng dư luận, giảm tỉ lệ tiêm chủng, tạo cơ hội cho các bệnh có văcxin dự phòng tăng lên.
Nhật Bản không đẩy mạnh chích văcxin HPV Ngày 25-6-2013, Chính phủ Nhật Bản đã rút lại khuyến cáo sử dụng văcxin chống HPV, loại văcxin ngừa ung thư, tiền ung thư hoặc các tổn thương loạn sản, mụn cóc sinh dục do các type virút papilloma gây nên, cụ thể là ung thư cổ tử cung và ung thư cơ quan sinh dục nữ. Cùng lúc, giới chuyên gia y tế đang kiểm soát những phản ứng phụ của văcxin HPV như gây đau đớn và tê cứng trong thời gian dài. Theo báo The Japan Times, đến tháng 12-2012 có khoảng 8,29 triệu người Nhật đã được chích văcxin HPV. Ba tháng sau đó có 1.968 trường hợp xuất hiện phản ứng phụ được ghi nhận, trong đó 106 ca nặng với các triệu chứng đau, co giật, đau khớp hoặc đi đứng khó khăn. Ước tính cứ 1 triệu ca tiêm chủng HPV thì có khoảng 12,8 ca phản ứng nặng. Gardasil do Tập đoàn dược phẩm Merck của Mỹ sản xuất và Cervarix do Tập đoàn GlaxoSmithKline của Anh, là hai loại văcxin được Chính phủ Nhật cho phép sử dụng chống bệnh HPV ở phụ nữ và trẻ em gái Nhật Bản. Trong khi đó tại Mỹ, các quan chức y tế đưa ra ý kiến rằng trẻ gái nên được chích ngừa HPV sau khi kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy văcxin này có hiệu quả cao. Song ngày 23-12-2013, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tuyên bố thu hồi một số lượng lớn văcxin phòng u nhú HPV Gardasil loại 6, 11, 16 và 18 do lỗi an toàn trong quá trình sản xuất. MỸ LOAN |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận