Ngày 18-4, Trường đại học Thương mại tổ chức công bố Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2022, cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, PGS.TS Đinh Văn Sơn - chủ biên báo cáo - cho biết đây là năm thứ 5 công bố báo cáo. Năm nay nhóm nghiên cứu chọn điểm nhấn là cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam để đưa ra những khuyến nghị chính sách về kinh tế, đầu tư, xuất nhập khẩu.
Xuất khẩu năm 2023 gặp nhiều khó khăn
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2022, PGS.TS Doãn Kế Bôn, khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế (Trường đại học Thương mại), nhận định xuất nhập khẩu hàng hóa 2022 rất tốt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 732,5 tỉ USD, tăng 9,5%. Thặng dư thương mại đạt 12,4 tỉ USD, tích cực so với năm 2021.
Trong vài năm tới tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sẽ đạt 1.000 tỉ USD, ông Bôn dự báo.
Về cán cân thương mại năm 2022, theo nhóm nghiên cứu của Trường đại học Thương mại thì 80-90% thặng dư thương mại tới từ Mỹ, EU, trong khi thâm hụt thương mại chủ yếu đến từ các nước châu Á, trong đó khoảng 50% thâm hụt thương mại đến từ Trung Quốc, tiếp đó là Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Bôn nhận định: "Trong năm 2023 hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, phải rất nỗ lực mới đạt được tăng trưởng xuất khẩu cả năm 6% vì năm 2022 kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, thương mại thu hẹp, giá cả hàng hóa tăng cao, khả năng cạnh tranh hàng hóa giảm.
Thực trạng này tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023. Chúng ta chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng như điện thoại, máy vi tính, hàng dệt may, thủy hải sản…".
Nhập nguyên phụ liệu, máy móc Trung Quốc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về giải pháp để giảm thâm hụt thương mại từ Trung Quốc, PGS.TS Phạm Tuấn Anh - khoa tài chính ngân hàng (Trường đại học Thương mại) - cho rằng với hai đặc điểm độ mở nền kinh tế lớn và đặc thù quan hệ kinh tế lâu dài giữa Việt Nam với Trung Quốc thì giá trị nhập siêu lớn từ Trung Quốc không phải là nỗi lo.
"Quan trọng là chúng ta đang nhập gì, xuất gì, giá trị gia tăng ra sao, áp lực tạo ra với các nguồn lực trong nước. Với nhập siêu từ Trung Quốc cần góc tiếp cận đa chiều, mềm mại, không quá định kiến rằng cứ nhập siêu từ Trung Quốc là không tốt", ông Anh cho hay.
Theo ông Anh, 3 tháng đầu năm nay xuất khẩu chip đi Mỹ tăng mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc rất rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chip đã không chọn Trung Quốc làm cứ điểm sản xuất, và đang dịch chuyển sản xuất chip bán dẫn sang các quốc gia, và Đông Nam Á là một trong những điểm đến.
Việt Nam lọt vào top 4 nước dẫn đầu xuất khẩu chip vào Mỹ, điều này cũng cho thấy chúng ta phải xử lý câu chuyện xuất nhập khẩu với tăng trưởng theo góc nhìn đa chiều, chứ không đơn thuần đặt vấn đề cắt giảm nhập khẩu từ một thị trường cụ thể như Trung Quốc, ông Anh khẳng định.
Cùng quan điểm này, ông Bôn cho hay dù nhập siêu từ Trung Quốc nhiều năm liền nhưng chúng ta nhập chủ yếu là nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất trong nước, rất quan trọng.
Hiện Chính phủ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển hướng thị trường, nhưng khi thị trường Trung Quốc có nguyên vật liệu tốt, máy móc giá rẻ, ví dụ như sợi, vải, máy may từ Trung Quốc rẻ hơn, tốt hơn thì đương nhiên các doanh nghiệp sẽ chọn nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó là chưa kể tới yếu tố điều kiện thương mại rất thuận lợi giữa hai nước, ông Bôn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận