25/07/2018 13:32 GMT+7

Nhập nhằng cấp chứng chỉ ngoại ngữ B1 vì từ 'certificate'

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Nhiều thí sinh sắp thi cao học tại các trường thành viên thuộc ĐH Huế phản ảnh rằng họ bị ban đào tạo từ chối công nhận chứng chỉ ngoại ngữ B1 dù chứng chỉ này vẫn còn giá trị 2 năm.

Nhập nhằng cấp chứng chỉ ngoại ngữ B1 vì từ certificate - Ảnh 1.

"Chứng nhận ngoại ngữ nội bộ" được Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế cấp cho học viên sau ngày 15-11-2017 vẫn ghi là "chứng chỉ" - Ảnh: V.T.

Nguyên nhân là do Bộ GD-ĐT đã yêu cầu dừng việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại các đơn vị (trong đó có ĐH Huế) từ năm 2017. Tuy nhiên, việc cấp "chứng chỉ" ngoại ngữ vẫn diễn ra ở đây.

Nói một đằng, làm một nẻo

Theo quy định, nếu chứng chỉ trên còn giá trị trong 2 năm thì các thí sinh sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ đầu vào ở kỳ thi cao học vào tháng 9 tới. Tuy nhiên nhiều phản ảnh cho biết ĐH Huế không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3/6 theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (chứng chỉ B1) của Bộ GD-ĐT.

Anh T., thí sinh dự thi, bức xúc nói rằng lý do mà ban đào tạo ĐH Huế đưa ra đó là tất cả các chứng chỉ B1 được cấp sau ngày 15-11-2017 không có giá trị để xét điều kiện miễn thi ngoại ngữ đầu vào cao học. 

Theo anh T., việc này khiến rất nhiều thí sinh như anh hoang mang bởi phần lớn đều đã bỏ tiền ra để ôn và thi lấy chứng chỉ B1 trước đó. Hoang mang hơn cả là các thí sinh thuộc Trường ĐH Y dược - ĐH Huế do lịch thi cao học và lịch thi bác sĩ nội trú ở trường này diễn ra xen kẽ nhau.

"Như vậy tính ra sinh viên y chúng tôi phải ôn thi 11 môn học mà đáng nhẽ chỉ 9 môn nếu chứng chỉ ngoại ngữ B1 được công nhận. Chúng tôi không đủ thời gian để ôn thi và thấy như vậy là quá vô lý" - anh T. bức xúc nói.

Ngoài anh T. còn có nhiều thí sinh khác cũng tỏ ra khá bức xúc. Phần lớn họ cho rằng ĐH Huế "nói một đằng làm một nẻo" bởi trong thông báo tuyển sinh cao học vẫn có mục ghi miễn thi ngoại ngữ đầu vào nếu thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ B1.

Nhập nhằng vì từ "certificate"

Ông Huỳnh Văn Chương, phó giám đốc ĐH Huế, cho biết văn bản không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ B1 trên dựa theo thông tư 23/2017 của Bộ GD-ĐT. Thông tư này được ban hành ngày 29-9-2017 và có hiệu lực từ ngày 15-11-2017. 

Ông Chương cho biết thông tư này được ban hành để chấn chỉnh các lỗ hổng trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan được báo chí phản ánh vào năm 2017.

Sau ngày thông tư trên có hiệu lực, 10 đơn vị được Bộ GD-ĐT cấp phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (trong đó có Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế) đều phải ngưng việc thi và cấp chứng chỉ cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ. Chính vì thế, các chứng chỉ ngoại ngữ B1 được cấp sau ngày 15-11-2017 đều không được công nhận.

Dù vậy, theo ông Chương, theo chuẩn của bộ thì sinh viên tốt nghiệp ra trường đều phải có chứng chỉ ngoại ngữ B1 nên thay vì cấp chứng chỉ, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế vẫn tổ chức thi và cấp "chứng nhận ngoại ngữ nội bộ" cho các sinh viên.

"Do trong tiếng Anh, từ "chứng chỉ" và "giấy chứng nhận" đều được dịch ra là "certificate" nên nhiều thí sinh có sự nhầm lẫn. ""Chứng chỉ" có phôi bằng, mã vạch của bộ và do bộ trưởng hoặc thứ trưởng Bộ GD-ĐT ký. "Chứng nhận" thì do hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Huế ký" - ông Chương nói.

Ông Chương cho biết một số đơn vị đã lợi dụng sự nhập nhằng giữa tiếng Anh và tiếng Việt này để tổ chức thi chui và cấp bằng ngoại ngữ sai quy định cho học viên. Các đơn vị này thường phát cho học viên giấy chứng nhận chỉ ghi một mặt bằng tiếng Anh, không có tiếng Việt nên nhiều thí sinh hiểu lầm đó là chứng chỉ B1 đúng theo quy định. 

Riêng đối với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, ông Chương khẳng định đã thông báo cho nhà trường rõ điều này.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, vào khóa thi cấp "chứng nhận ngoại ngữ" gần nhất của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, trường này vẫn phát "chứng chỉ ngoại ngữ" cho học viên. Chỉ khác với lúc trước là chứng chỉ này do hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế ký.

Sử dụng phôi bằng cũ (!?)

TS Bảo Khâm, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, cho biết việc cấp "chứng chỉ ngoại ngữ" trên là để giúp sinh viên có đủ điều kiện để tốt nghiệp ra trường. "Tất cả chứng chỉ ngoại ngữ được cấp sau ngày 15-11-2017 đều được hiểu là chứng nhận hết. Trong đợt thi vừa rồi ở trường do chưa kịp đổi phôi bằng mới nên chúng tôi sử dụng phôi cũ ghi là "chứng chỉ" khiến học viên hiểu lầm. Đợt thi sau chúng tôi sẽ đổi lại thành "chứng nhận"" - ông Khâm nói.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu ban đào tạo tập trung hồ sơ của các thí sinh có vướng mắc về miền thi ngoại ngữ đầu vào do chứng chỉ ngoại ngữ B1 lại để báo cáo, xin chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT. Nếu bộ đồng ý thì chúng tôi sẽ miễn thi" - ông Chương nói.

Băn khoăn chứng chỉ ngoại ngữ giáo viên

TTO - Giáo viên phải mất cả gần tháng lương để 'học' ngoại ngữ nhằm có một tấm chứng chỉ bổ sung cho hồ sơ viên chức, liệu những tấm giấy chứng chỉ A2, B1 bây giờ có khác gì tấm chứng chỉ B ngày trước?

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên