TTCT - Nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa (SGK) không phải là điều gì mới lạ trên thế giới và kể cả ở Việt Nam. Nhưng chuyện nhập khẩu này cũng có ba bảy đường... Vào những năm 1960-1965, chương trình giáo dục của Singapore hoàn toàn là nhập khẩu. Chỉ bắt đầu từ năm 1969, Bộ Giáo dục Singapore mới tổ chức biên soạn sách giáo dục công dân, đến năm 1980 thì thành lập Viện Nghiên cứu phát triển chương trình với nhiệm vụ biên soạn SGK cung cấp cho cả hệ thống. Năm 1996, viện này kết thúc hoạt động và hiện nay Bộ Giáo dục chỉ tập trung xây dựng chương trình khung, còn SGK thì do các nhà xuất bản hoạt động theo cơ chế thị trường thực hiện. Ở Trung Quốc, tuy nhà nước không chọn nhập khẩu chương trình đào tạo và SGK từ nước ngoài nhưng để chuẩn bị cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 2001, những năm 1995-1997 Bộ Giáo dục đã tiến hành khảo sát đánh giá chương trình hiện hành trên diện rộng cùng với việc nghiên cứu nghiêm túc chương trình của các nước Anh, Mỹ, Canada, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Thụy Sĩ, Phần Lan, Ấn Độ, Ai Cập để vận dụng vào chương trình giáo dục của Trung Quốc. Ở Việt Nam, những thập niên đầu của thế kỷ trước, chương trình đào tạo của các trường từ tiểu học đến cao đẳng đều là chương trình của Pháp. Sau khi đất nước giành được độc lập, nhìn chung chương trình đào tạo của các trường là do giới trí thức Tây học thời đó biên soạn. Ở miền Nam, trừ một số trường trung học dạy theo chương trình Pháp, phần lớn các trường sử dụng chương trình nội địa biên soạn. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, với xu hướng hội nhập toàn cầu và tăng cường quốc tế hóa, chúng ta thấy việc sử dụng chương trình và SGK nước ngoài ngày càng phổ biến ở Việt Nam, diễn ra ở cả khu vực công lẫn khu vực tư. Ở bậc đại học, chúng ta có Chương trình tiên tiến, một dự án do Bộ GD-ĐT thực hiện trong thời gian 1995-2005 qua việc lựa chọn một số trường trong nước liên kết với các đại học có uy tín của Mỹ để đào tạo cử nhân theo chương trình và công nghệ đào tạo của các trường đại học đối tác này. Giảng viên của các chương trình này là những người đã nhận bằng tiến sĩ, thạc sĩ ở các nước nói tiếng Anh, hoặc các giáo sư người Việt Nam đang giảng dạy ở các đại học nước ngoài và giảng viên của các đại học đối tác. Ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo trình là những giáo trình đang được sử dụng ở trường đối tác. Các chương trình liên kết đào tạo nở rộ ở các trường về mặt lý thuyết cũng là những chương trình nhập khẩu hoàn toàn, cùng với đó là SGK, tài liệu tham khảo, phương pháp đánh giá và bằng cấp. Trong thực tế nó có thực sự tương đương với chương trình và chất lượng ở chính quốc không lại là vấn đề khác. Ở bậc học phổ thông, chúng ta có nhiều trường quốc tế ở Việt Nam với 100% chương trình đào tạo của nước ngoài. Tuy vậy, về nguyên tắc, các trường này nhằm phục vụ con em chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, còn số học sinh người Việt học ở đây bị khống chế ở tỉ lệ không quá 10-20% trên tổng số. Vì thế, xét trên tổng thể thì những chương trình nhập khẩu này chưa có tác động rộng rãi đối với bức tranh chung về giáo dục. Nhập khẩu chương trình và SGK nếu tính tới việc áp dụng cho toàn hệ thống giáo dục công lập lại là vấn đề hoàn toàn khác. Trong bối cảnh chất lượng giáo dục trong nước còn nhiều bất cập, nhiều người tỏ ra ủng hộ phương án nhập khẩu “nguyên xi” chương trình đào tạo và SGK của nước ngoài thay cho việc biên soạn. Lý do dễ hiểu là lựa chọn này có thể ít tốn kém hơn so với biên soạn mới, vì các nước đã phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ để biên soạn và thử nghiệm qua nhiều bước để có được những kết quả như thế. Thêm nữa, chương trình và SGK quốc tế cũng tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng thích ứng với thị trường lao động toàn cầu. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là việc nhập khẩu chương trình và SGK (nếu có) để áp dụng cho cả hệ thống công lập sẽ phải đương đầu với những vấn đề như thế nào? Triết lý giáo dục Việc áp dụng một chương trình/mô hình đào tạo cho cả hệ thống khác xa so với việc áp dụng cho một trường hay một số trường. Ở quy mô cấp trường, không khó để tạo lập các điều kiện cho việc thực hiện, huấn luyện giáo viên, tổ chức hoạt động dạy và học. Nhưng ở quy mô hệ thống với bản chất đa dạng vùng miền và đặc điểm xã hội - kinh tế, nhất là với điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, những thách thức đặt ra là rất lớn. Chương trình đào tạo thực ra là phương tiện cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục là cái được xác định trên cơ sở triết lý giáo dục vốn là nền tảng của cả hệ thống. Vì thế, áp dụng một chương trình đào tạo mà không tính đến triết lý giáo dục đã làm nền tảng cho nó quả không khác gì xây nhà mà không có móng. Triết lý giáo dục, đến lượt nó, được xây lên trên cái nền của thể chế chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển của nền kinh tế và tầm nhìn của lãnh đạo. Điều này đúng với chương trình của mọi cấp học và đặc biệt đúng đối với bậc học phổ thông. Vì thế, nếu có ý định nhập khẩu chương trình giáo dục và SGK, cần trả lời câu hỏi chúng ta đã sẵn sàng đến mức độ nào trong việc chấp nhận học hỏi và áp dụng triết lý giáo dục vốn là cột trụ của chương trình ấy, cũng như triết lý giáo dục ấy tương thích đến mức độ nào với tầm nhìn của quốc gia và có khả năng đóng góp như thế nào trong mục tiêu phát triển của đất nước. Bằng không, chúng ta sẽ chỉ học được cái vỏ, nhìn thì lấp lánh nhưng thực chất không có bao nhiêu giá trị. Minh họa Nội dung giáo dục Tuy thế giới ngày nay đã trở thành một ngôi làng toàn cầu, chúng ta vẫn có nhu cầu bảo toàn cội nguồn gốc rễ và bản sắc văn hóa của mình, vì một lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ có nhu cầu trả lời câu hỏi “Ta là ai? Ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”. Hơn thế nữa, mỗi nước có những bối cảnh khác nhau và những vấn đề khác nhau, tạo thành những trọng tâm khác nhau trong nội dung giáo dục, kể cả khi họ chia sẻ một mục tiêu chung. Vì vậy, nhập khẩu chương trình giáo dục 100% không hẳn là một giải pháp tốt nhất. Đó là lý do nhiều nước chủ trương học hỏi và vận dụng ưu điểm trong chương trình đào tạo của các nước khác, thay vì dùng trực tiếp qua phương tiện chuyển ngữ. Nội dung giáo dục không chỉ nằm trong chương trình hay SGK, nó được thể hiện qua phương pháp sư phạm và các yếu tố khác của cả hệ thống. Chẳng hạn, để thực hiện một triết lý giáo dục như Phần Lan: dựa trên niềm tin vào khả năng của con người, đề cao sự bình đẳng và tinh thần hợp tác thì hệ thống đánh giá kết quả học tập phải được thiết kế tương ứng, sao cho thi cử và bằng cấp tuyệt nhiên không còn là nỗi ám ảnh hay mục đích độc nhất của người học. Nội dung giáo dục cũng liên đới chặt chẽ với vấn đề nguồn lực. Giả sử chúng ta muốn đưa giáo dục âm nhạc vào nhà trường như một phần của chương trình chính khóa. Cả nước có 15 triệu học sinh phổ thông, hãy thử tính xem chúng ta cần có bao nhiêu giáo viên âm nhạc và cần bao nhiêu tiền để đào tạo đủ số lượng này (chưa nói tới chất lượng)? Người thầy và những điều kiện thực thi chương trình Đây là điều lo ngại lớn nhất của nhiều người. Chương trình có hay, SGK có tốt mà người thầy không được chuẩn bị đầy đủ thì thất bại vẫn là điều cầm chắc. Chất lượng người thầy lại phụ thuộc nhiều thứ, không chỉ là tiêu chuẩn đầu vào trường sư phạm, quá trình đào tạo, mà còn là cách tuyển dụng, điều kiện đãi ngộ, môi trường làm việc, thậm chí thiên hướng và phẩm cách cá nhân. Thêm nữa, điều kiện trường lớp, trang thiết bị dạy học, phương tiện tổ chức hoạt động giáo dục... là những yếu tố cần thiết để hiện thực hóa chương trình và mục tiêu giáo dục. Chẳng hạn để đào tạo con người chủ động, sáng tạo, chúng ta phải tạo ra môi trường trải nghiệm và dạy bằng cách giải quyết vấn đề. Cách dạy đó đòi hỏi quy mô lớp nhỏ và người dạy được tuyển chọn/huấn luyện cẩn thận. Những thứ đó liên đới chặt chẽ với nguồn lực tài chính của nhà nước và cách sử dụng nguồn lực đó. Nếu nguồn lực không đủ để đáp ứng đòi hỏi này thì thật khó mong đợi kết quả. Kỳ vọng và thực tế Chương trình VNEN (chương trình dựa trên mô hình Escuela Nueva hay còn gọi là New School Model - Mô hình trường học mới) đang tốn hao giấy mực ồn ào trên công luận vừa qua là một bài học quý giá về việc nhập khẩu mô hình, chương trình, SGK, công nghệ đào tạo của nước ngoài. VNEN là mô hình giáo dục nhấn mạnh việc tham gia và hợp tác của người học trong quá trình học tập. VNEN được trao giải thưởng quốc tế vì được xây dựng trên những ý tưởng giáo dục xuất sắc trên thế giới như Montessori hay Waldorf, và được coi là trào lưu văn hóa - sư phạm quan trọng nhất ở châu Âu nửa đầu thế kỷ 20. Nền tảng triết học của nó là cho rằng con người học tập tốt nhất trong cộng đồng và khi họ làm chủ được việc học tập. Khi đưa vào Việt Nam, nó đã được điều chỉnh cho phù hợp với truyền thống, văn hóa và điều kiện của Việt Nam. Mặc dù VNEN rất thành công ở một số nơi, ví dụ như Lào Cai, nhưng ở những nơi khác, ít ra là 9/53 tỉnh thành, nhiều ý kiến phản đối gay gắt. “Học sinh VNEN tự tin diễn đạt bản thân nhưng làm toán kém xa tụi học sinh bình thường, nên cho thi chung là chết hết. Bởi vậy phụ huynh đến tận trường xin cho con ra khỏi lớp VNEN” - ý kiến này của một cán bộ phòng giáo dục nơi có chương trình VNEN đã phản ánh rất rõ thực tế VNEN tại Việt Nam. Thực tế đó cho thấy nhập khẩu chương trình/mô hình/SGK của bất cứ nơi nào cũng đều phải tính đến bối cảnh thực tế của Việt Nam, bởi cây quýt trồng trên đất này thì ngọt mà trồng trên đất khác có khi lại chua.■ Tags: Cải cách giáo dụcNhập khẩu chương trìnhNhập khẩu sách giáo khoa
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.