18/09/2016 14:53 GMT+7

“Nhập khẩu” chương trình 
tiếng Anh quốc tế

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khuyến khích các cơ sở GD-ĐT như vậy tại hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020 của đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 tổ chức hôm qua 17-9.

Phụ huynh đưa con đến học thêm tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Phụ huynh đưa con đến học thêm tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Điều dở nhất của đề án 2020 là mục tiêu quá lớn, quá tham vọng, lại thực hiện trong thời gian rất ngắn. Điều đáng nói là đề án triển khai đồng bộ trên cả nước với 63 tỉnh thành, nhưng không xem xét đến điều kiện các địa phương rất khác nhau.

TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng sau một bước đi dài, việc nhìn nhận lại là cần thiết bởi “không thể đi nhanh mà không vững”.

“Giáo viên ngoại ngữ không giỏi thì thà không học còn hơn”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói thẳng điều này khi đề cập tới chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ, yếu tố mà ông cho rằng phải xếp số 1, quyết định sự thành công của đề án. Theo bộ trưởng, so với yêu cầu, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ trên cả nước đang thiếu cả số lượng và chất lượng.

“Chương trình đào tạo, việc bồi dưỡng giáo viên chưa được đổi mới, bám sát yêu cầu của đề án. Việc công nhận trình độ ngoại ngữ chưa nghiêm túc, còn có tình trạng mua bán chứng chỉ” - ông Nhạ nói.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ quá nhiều bất ổn dù đề án đã đi được hơn một nửa chặng đường, TS Đỗ Tuấn Minh - hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội - cho rằng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên có nhiều bất cập.

Cụ thể là giáo viên chỉ được bồi dưỡng một lần trong một thời gian ngắn cho tới khi đạt chuẩn thì kết thúc. Nhiều đơn vị được phép bồi dưỡng giáo viên nhưng chưa quan tâm tới chất lượng. Từ chương trình đào tạo đến khâu kiểm tra đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra còn lúng túng, không đổi mới.

“Nội dung bồi dưỡng giáo viên không xuất phát từ nhu cầu mà do các trung tâm áp đặt, giáo viên ít điều kiện ứng dụng. Nên nhiều người sau một thời gian ngắn, kỹ năng, kiến thức tập huấn lại rơi vào lãng quên” - ông Minh nói.

TS Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, chỉ ra thực trạng phổ biến trong việc “hợp thức hóa trình độ giáo viên ngoại ngữ” diễn ra trong nhiều năm qua.

Đó là việc “nhiều đơn vị cấp chứng chỉ ngoại ngữ chưa đồng nhất trong đánh giá nên giáo viên có xu hướng tìm đến các cơ sở dễ dàng hoặc có biểu hiện không tích cực, gây khó khăn cho công tác quản lý”.

Làn sóng tìm cách đơn giản nhất để hợp thức hóa trình độ của giáo viên không chỉ “tiếp sức” cho tình trạng mua bán chứng chỉ như bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói đến, mà còn là vật cản khiến đề án dạy và học ngoại ngữ đi quá nửa chặng đường nhưng đội ngũ giáo viên vẫn không có chuyển biến rõ ràng về chất lượng tối thiểu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo ngay trong năm tới hướng triển khai đào tạo và đào tạo lại giáo viên sẽ phải xây dựng trên cơ sở nhu cầu của từng địa phương. Chương trình đào tạo thiết kế bám sát điều kiện thực tế, linh hoạt các hình thức, tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin để giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên.

“Sẽ không xé lẻ cho nhiều trung tâm thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ mà tập trung xây dựng một số trung tâm đủ mạnh. Đặc biệt, sẽ chấm dứt tình trạng liên kết đào tạo, gây ra những kẽ hở cho tiêu cực và việc thực hiện kém nghiêm túc” - ông Nhạ nói.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần có những trung tâm khảo thí công nhận trình độ ngoại ngữ cho giáo viên, các trung tâm này phải độc lập với các cơ sở có chức năng bồi dưỡng, đào tạo.

Học không thấy rõ mục đích

Đại diện sở GD-ĐT nhiều tỉnh và đại diện các trường ĐH tại hội nghị đã thừa nhận mục tiêu học ngoại ngữ không rõ ràng là một nguyên nhân chính khiến động lực học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên không cao.

Nếu như ở các địa phương khó khăn, phụ huynh và học sinh ngại học chương trình tiếng Anh mới do không nhìn thấy rõ mục đích thì ở các thành phố lớn, theo TS Phạm Văn Hùng, nhiều phụ huynh, học sinh muốn được đào tạo và đánh giá theo các tiêu chí được xã hội và cộng đồng thế giới tin cậy, hơn là hướng “nội địa hóa các tiêu chí và chứng chỉ năng lực ngôn ngữ nước ngoài” như cách đề án dạy và học ngoại ngữ hướng tới.

Ông Nguyễn Văn Huấn - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, và ông Vũ Văn Trà - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - đều cho rằng do “yêu cầu dạy học một đằng, thi cử một nẻo” nên động lực học tập của phần đông học sinh, sinh viên không cao.

“Việc kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ từ bậc phổ thông phải thay đổi, đặc biệt cách thức thi trong kỳ thi THPT quốc gia cần phải thay đổi theo hướng kiểm tra 4 kỹ năng” - ông Trà nhấn mạnh.

Còn ông Phạm Văn Hùng đề xuất một giải pháp mạnh: nên quy định tất cả các trường ĐH khi tuyển sinh đầu vào phải thi môn ngoại ngữ, tương tự đầu ra của các trường ĐH cũng phải quy định ngưỡng ngoại ngữ cần thiết thì mới được cấp bằng.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đang sửa đổi, Bộ GD-ĐT cũng sẽ nâng cao trình độ ngoại ngữ đầu vào.

“Thay cho việc yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào để học viên đủ điều kiện học nâng cao ngoại ngữ trong quá trình học thạc sĩ, tiến sĩ thì sẽ quy định trình độ ngoại ngữ đầu vào của học viên đủ điều kiện để họ sử dụng ngoại ngữ như phương tiện cho việc học chuyên ngành, nghiên cứu” - ông Ga nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khuyến khích các cơ sở GD-ĐT “nhập khẩu” các chương trình ngoại ngữ được quốc tế công nhận, tăng cường dạy học ngoại ngữ chuyên ngành trong các cơ sở đào tạo, dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở phổ thông. Bộ GD-ĐT cũng “bật đèn xanh” cho các cơ sở GD-ĐT đủ điều kiện tổ chức dạy học các ngoại ngữ 2 (ngoài tiếng Anh) trên cơ sở tự nguyện, đáp ứng nhu cầu người học. Việc này sẽ được xem như một nội dung của mục tiêu mà đề án đặt ra ở giai đoạn tới.

Những mục tiêu của đề án 5 năm tới

* Năm học 2020-2021 có 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình ngoại ngữ mới (10 năm). Năm 2025 phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.

* Đến năm 2020, 60% học sinh trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực 6 bậc VN.

* Đến năm 2018-2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo tiếng Anh tăng cường, 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN. Năm 2020, 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt bậc 3 đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN.

* Năm 2020, 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2, 20% có bậc 3.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Mục tiêu cao, chất lượng thấp

Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là đề án 2020) với mục tiêu tổng quát: đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên.

Đến năm 2020 đa số thanh niên VN tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân VN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kinh phí cho đề án này là 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2016, cả nước mới có 1.617.022 học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số 7.784.685 em được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Còn lại chủ yếu mới chỉ học dưới dạng “làm quen” với tiếng Anh, thời lượng 2 tiết/tuần.

So với mục tiêu đến năm 2020 phải có 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm vẫn còn quá xa vời, khi mà thời điểm năm 2016 mới có hơn 20% học sinh khối lớp này được học chương trình tiếng Anh 10 năm.

Đến hết năm 2015 có gần 49% giáo viên tiếng Anh tiểu học cả nước đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN. Với hơn 51% giáo viên chưa đạt chuẩn còn lại, bộ cũng thừa nhận “sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng đạt chuẩn và học sinh sẽ phải tiếp tục chờ giáo viên đạt chuẩn để học theo đúng thời lượng 4 tiết/tuần mà đề án đặt ra”.

“Khi xây dựng đề án, chúng ta đã đưa ra mục tiêu quá cao so với điều kiện thực tế nên hiệu quả chưa tốt, chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp, thể hiện rõ ở kết quả môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.

Liên quan lộ trình của đề án trong 5 năm sau, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quan điểm việc xây dựng lộ trình để thực hiện các mục tiêu sẽ bám sát điều kiện thực hiện và có hệ thống giải pháp đi kèm để tránh việc thực hiện không hiệu quả như giai đoạn trước đã xảy ra.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên