21/09/2016 10:37 GMT+7

Nhập khẩu chương trình tiếng Anh, có thành công?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - “Tôi ủng hộ chủ trương nhập khẩu chương trình tiếng Anh quốc tế, nhưng nếu triển khai chủ trương này với tất cả 63 tỉnh thành thì không ổn”.

Một tiết học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM Ảnh: NHƯ HÙNG
Một tiết học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

TS Vũ Thị Phương Anh, phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam), đã nói như vậy khi PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khuyến khích các cơ sở GD-ĐT nhập khẩu chương trình tiếng Anh quốc tế (tại hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020 của đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 mới đây).

TS Phương Anh cho rằng: “Nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy ngoại ngữ ở mỗi tỉnh thành mỗi khác. Chúng ta không thể đặt mục tiêu chung, giống nhau cho cả 63 tỉnh thành”.

Kinh nghiệm của TP.HCM

Theo ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 1998-1999 TP thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC) tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 với hai lớp 1.

Ban đầu chuyên viên của sở tự biên soạn chương trình và về dạy thử rồi rút kinh nghiệm hằng tuần. Sau đó, Sở GD-ĐT quyết định chọn một bộ giáo trình của một nhà xuất bản nước ngoài để đưa vào giảng dạy.

Bên phía nhà xuất bản có giúp sở tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về cách sử dụng giáo trình, cử người sang VN trực tiếp lắng nghe ý kiến của giáo viên về những khó khăn trong quá trình giảng dạy bộ sách và tìm cách tháo gỡ.

Thời điểm trên, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc mạnh dạn dạy tiếng Anh cho học sinh ngay từ lớp 1 (trong khi hầu hết các tỉnh thành khác đều thực hiện chương trình của Bộ GD-ĐT dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 6 - PV). Và điều này đáp ứng đúng nhu cầu cần cho con em học tiếng Anh của phụ huynh TP.HCM, khi số trường tiểu học có mở lớp TATC tăng lên theo thời gian.

Tính đến cuối năm học 2015-2016, TP đã có 233/491 trường tiểu học dạy TATC với 3.174 lớp, 125.999 học sinh theo học.

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP phân tích: “Chương trình TATC tạo được uy tín đối với xã hội, phụ huynh tin tưởng cho con em mình theo học bởi những lý do sau: thời lượng học phù hợp với 8 tiết/tuần (hiện tại chương trình tiếng Anh đề án của Bộ GD-ĐT chỉ có 4 tiết/tuần - PV), giáo trình hoàn toàn của nước ngoài.

Sở GD-ĐT TP trực tiếp đi khảo sát các trường, trường nào đủ điều kiện mới cho mở lớp TATC, mặc dù các trường đã cam kết hội đủ điều kiện cần thiết để giảng dạy chương trình: sĩ số 35 học sinh/lớp; phòng học có cassette, bàn ghế học sinh là loại bàn đơn để học sinh có thể di chuyển, hoạt động nhóm; giáo viên đạt chuẩn theo đúng yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.

Thời ấy, Sở GD-ĐT TP trực tiếp tổ chức tuyển giáo viên tiếng Anh với 3 vòng thi: thi viết kiến thức tổng quát; thi phát âm tiếng Anh (có thu âm vào máy); thi phỏng vấn (Sở GD-ĐT TP phối hợp với Hội đồng Anh trực tiếp phỏng vấn giáo viên)”.

Thế nhưng vài năm gần đây, nhiều phụ huynh đã bắt đầu nghi ngờ về chất lượng của chương trình TATC, khi những quy định về việc mở lớp không còn khắt khe như trước. Tại nhiều trường tiểu học, lớp TATC có đến 45 học sinh, thậm chí 50-51 học sinh. Việc tuyển giáo viên cũng được giao về cho các đơn vị chứ không được Sở GD-ĐT TP “cầm trịch” như trước.

Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên TATC thâm niên của TP nhận định: “Khoảng 5 năm trở về trước là thời kỳ vui vẻ của giáo viên TATC, bởi thu nhập của giáo viên đủ để chúng tôi sinh sống, học tập, nâng cao tay nghề. Lúc đó, tiết dạy hiệu quả vì lớp chỉ có 35 học sinh. Lớp nào 36 em là trường phải có văn bản xin phép Sở GD-ĐT TP. Khi sở quyết định về “chuẩn đầu ra” của chương trình TATC theo chuẩn quốc tế, chúng tôi cũng rất tự tin: mình dạy, nhưng học sinh thi và lấy được chứng chỉ tiếng Anh của nước ngoài”.

“Tôi cho rằng việc nhập khẩu chương trình tiếng Anh của nước ngoài là cần thiết - trong thời điểm này. Thay vì ta cứ loay hoay tự viết ra một chương trình mới, mà có thể nó sẽ kém hơn chương trình của các nước tiên tiến, thì tốt nhất ta hãy mua chương trình của họ mặc dù giá của nó không hề rẻ.

Dạy và học chương trình của nước ngoài sau một thời gian cán bộ, giáo viên của ta sẽ học được phương pháp và nhiều yếu tố cần thiết khác, đồng thời tích lũy kinh nghiệm từ từ. Khi đã hội đủ kiến thức và kỹ năng, lúc ấy ta tự viết chương trình vẫn chưa muộn”.

TS  VŨ THỊ PHƯƠNG ANH

Giáo viên trên còn cho biết: “Thời gian gần đây, thu nhập của giáo viên tiếng Anh giảm sút, nhà trường ồ ạt mở lớp TATC, có lớp 50 học sinh nên giáo viên rất vất vả. Đã vậy, Sở GD-ĐT còn thay đổi giáo trình dạy học khiến chúng tôi rất mệt mỏi (Sở GD-ĐT TP và một nhà xuất bản trong nước tiến hành biên soạn lại giáo trình của nước ngoài, trên cơ sở phối hợp cả 3 bên - PV). Mô hình nào cũng vậy, nếu cứ nhân rộng ra một cách ồ ạt sẽ rất khó bảo đảm chất lượng”.

Triển khai có chọn lọc

Theo TS Vũ Thị Phương Anh, trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta nhập khẩu chương trình của nước ngoài nhưng chỉ nên triển khai ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... là những nơi có điều kiện về thiết bị dạy học, trình độ đội ngũ giáo viên... tiệm cận với nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng trường THPT ở TP.HCM lại lo lắng: nhập khẩu chương trình tiếng Anh quốc tế là ý tưởng hay, chắc chắn học sinh, phụ huynh sẽ rất đồng tình, nhưng Bộ GD-ĐT phải cải tiến phương pháp thi cử, đánh giá học sinh trước đã. Nhà trường cắm cúi dạy học sinh theo chương trình nước ngoài, nhưng khi hết lớp 12 các em phải thi theo chương trình trong nước chỉ với 2 kỹ năng đọc và viết thì không ai ủng hộ cả.

Thậm chí bà Lâm Lệ Hồng - phụ huynh học sinh lớp 4 ở quận 1, TP.HCM - còn đưa ra ý kiến: “Lâu nay xã hội vẫn luôn chê chất lượng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông không ra gì. Các em học sinh lớp 12 mà không biết giao tiếp với người nước ngoài. Vậy thì Bộ GD-ĐT không nên để các trường phổ thông dạy tiếng Anh nữa. Chúng ta đang ở thời kỳ hội nhập, học sinh phổ thông cũng phải đạt trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.

Hãy cho học sinh tự chọn nơi để học ngoại ngữ, miễn là hết cấp tiểu học, THCS, THPT các em phải đạt được chứng chỉ quốc tế theo quy định. Kinh phí của đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 nên dành để hỗ trợ cho học sinh nghèo học ngoại ngữ. Chứ như hiện nay, kinh phí chi chưa sát với thực tế. Như con tôi không có nhu cầu được hỗ trợ thì vẫn cứ phải nhận hỗ trợ, vì cháu học chương trình tiếng Anh đề án trong trường tiểu học và được miễn phí”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên