Gói ghém hành trang vào TP.HCM nhập học, cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng trĩu, cậu tân sinh viên nghèo Nguyễn Lê Hoàng Thiện còn canh cánh nỗi lòng mình mẹ đơn chiếc lại ngày một yếu ở quê.
Thực hiện: TẤN LỰC - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ
Sẽ có cách để tồn tại
Căn nhà nhỏ của hai mẹ con Thiện nằm bên rìa TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Ở đó, bà Lê Thị Tình (55 tuổi) cùng cậu con trai Nguyễn Lê Hoàng Thiện nương tựa vào nhau hơn chục năm qua. Căn nhà thụt vào khá sâu so với mặt đường, cổng vào được quây tạm bằng mấy tấm tôn.
Thiện sắp xa mẹ để nhập học ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Bà Tình đôi mắt đỏ hoe không giấu được sự lo lắng cho con trai và cả nỗi buồn khi nghĩ đến những ngày thui thủi một mình sắp tới.
Bà mẹ khắc khổ dặn con từng chút một trước khi con đi học xa nhà, từ chuyện nhớ giữ gìn sức khỏe, học tập tốt cho đến chi xài tiết kiệm, không học theo thói hư tật xấu.
Dìu mẹ từng bước khó nhọc với chiếc nạng tập đi, Thiện liên tục "dạ" sau mỗi lời mẹ dặn. Cố tỏ ra điềm tĩnh cho mẹ an tâm chứ trong lòng con trai ngổn ngang trăm mối, lo lắng đủ đường khi ngày nhập học gần kề.
Trước ngày con đi học, gom hết tiền trong nhà còn được hơn 10 triệu đồng. Đó là số tiền bà Tình tiết kiệm từ lúc bà con, họ hàng thăm khi nằm viện. Thiện nói chỉ xin mẹ mang theo 2 triệu đồng lộ phí, chỗ còn lại để ở nhà phòng khi mẹ ốm đau bất chợt.
Rồi sao xoay xở với 2 triệu đồng giữa thành phố đắt đỏ? Rồi chỗ ở, tiền nhập học nếu không được tiếp sức đến trường?
Thiện nói trước mắt sẽ vay tạm họ hàng 15 triệu đồng đóng học phí kỳ đầu tiên. "Chỗ ở sẽ xin vào ký túc xá để giảm bớt tiền thuê trọ, cũng đỡ di chuyển xa. Ăn uống thì từ bé mình đã quen ăn ngày hai bữa, sống tằn tiện riết rồi nên sẽ tồn tại được" - Thiện tự tin.
Cậu trò nghèo không có tiền học thêm
Những năm cuối THPT, Thiện không ít lần có ý định sẽ đi học nghề sau khi tốt nghiệp để sớm kiếm việc làm. Ý định ấy càng rõ hơn sau khi mẹ gặp tai nạn và yếu hẳn từ một năm trước. Trên đường đi làm phụ hồ ở công trình, mẹ Thiện bị xe máy tông ngã ra đường, chấn thương sọ não.
Từ ngày xuất viện về, bà Tình đi đứng không vững, không khác gì người tàn phế. Sinh hoạt hằng ngày có khi còn phải nhờ hàng xóm giúp thì làm sao đi làm nuôi con. Cái ăn trong nhà từ ký gạo, bó rau, con cá của hai mẹ con hằng ngày đều do ông bà nội đã già cùng người cô ruột Thiện gửi lên. Hơn ai hết, Thiện hiểu rõ gia cảnh nhà mình quá sức để có thể gồng gánh đi hết bốn năm đại học.
Nhưng Thiện học xuất sắc. Kết quả ấy khiến các thầy cô nuối tiếc nếu bạn không bước tiếp vào giảng đường.
Cô Lê Thị Nguyệt - giáo viên dạy toán Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành - kể từ năm lớp 9 Thiện đã theo học lớp ôn thi của cô để thi vào lớp 10. Suốt mấy tháng ôn tập, dù không thấy cậu học trò đóng học phí nhưng cô cũng không hỏi vì sợ Thiện ngại.
Thế rồi một buổi chiều nọ, mẹ Thiện đi phụ hồ về ghé ngang qua nhà cô giáo cảm ơn, báo tin con đã đậu trường chuyên nhưng xin khất nợ tiền học phí vì bà chưa có để gửi cô. Như mối nhân duyên, cô Nguyệt làm chủ nhiệm của Thiện cả hai năm lớp 10 và 11. Biết hoàn cảnh hai mẹ con, cô Nguyệt và nhiều giáo viên khác đều không thu tiền khi dạy thêm cho cậu học trò nghèo sáng dạ.
Không riêng môn chuyên, môn học nào Thiện cũng giỏi nên được các thầy cô rất quý. Thầy cô dạy thêm không ai lấy tiền, Thiện mừng nhưng rất ngại. Thỉnh thoảng cậu lại mang con gà, quả bí, bịch đậu phộng qua nhà nói là mẹ gửi biếu các cô. "Chúng tôi biết rõ hoàn cảnh nên lúc nào cũng bảo em không phải ngại ngùng, cứ lo tập trung học cho thật tốt là các cô mừng rồi" - cô Nguyệt kể.
Người hàng xóm tốt bụng
Ngồi cạnh xoa bóp đôi tay tê mỏi của mẹ, ánh mắt Thiện đăm chiêu. Cậu tâm sự thấy day dứt khi phải để mẹ ở quê một mình đi học xa. May mà tình làng nghĩa xóm đong đầy. Một người hàng xóm đã sẵn sàng nhận phần chăm sóc mẹ thay cho thời gian Thiện đi vắng.
Mỗi chiều, người hàng xóm tốt bụng Đỗ Thị Mỹ (70 tuổi) lại sang quét dọn, lo cơm nước, tắm rửa vệ sinh cho mẹ Thiện, xong xuôi đâu đấy mới về. Bà Mỹ kể có hôm mẹ Thiện buồn quá nên bà ở lại chuyện trò tới khuya rồi ngủ lại luôn cho nhà bớt trống trải.
"Tội nghiệp, đi làm gặp tai nạn nên bà con quanh xóm ai cũng thương, mỗi người góp chút của ít lòng nhiều cùng giúp. Tôi cũng già, không bận công việc gì nên ghé qua trông chừng nhà cửa để cháu Thiện an tâm học hành" - bà Mỹ bộc bạch.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận