21/03/2016 12:12 GMT+7

Nhanh nhất 3-5 tháng mới khôi phục được cầu Ghềnh

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, thời gian khắc phục sửa chữa cầu Ghềnh sẽ mất từ 3 - 5 tháng. Và "thời gian khắc phục đó là nhanh" và là "nỗ lực rất lớn của các đơn vị".

Cầu Ghềnh 112 tuổi bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 làm gián đoạn tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Ảnh: Xuân An
Cầu Ghềnh 112 tuổi bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 làm gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam - Ảnh: Xuân An

Trao đổi về việc bao giờ sửa chữa khôi phục cầu Ghềnh, ông Nguyễn Xuân Hòa - chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn - cho biết Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo trước mắt phải chờ khoảng sau 1 tuần mới mới có câu trả lời chính xác.

Trước mắt giải tỏa hiện trường mất 3 ngày khảo sát và giải phóng trục vớt xong sà lan, nhịp cầu bị chìm. Tiếp đó sẽ lên phương án khôi phục. 

Hiện đã có một số phương án khắc phục sửa chữa nhưng chưa gút được. Lý do phải chờ sau khi trục vớt các chướng ngại dưới sông mới tiếp tục khảo sát và kiểm định kết cấu cầu phần bên trên và dưới mặt nước mới có phương án chính thức khôi phục.

Trong cuộc họp hôm qua và sáng nay 21-3, theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, thời gian khắc phục sửa chữa cầu từ 3 - 5 tháng.

"Thời gian khắc phục đó là nhanh và đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị trong việc khôi phục cầu Ghềnh" - ông Hòa nói.

Có ý kiến cho rằng trước đó cầu Ghềnh đã có trụ chống va để bảo vệ cầu nhưng nay không còn nữa, ông Hòa nói thực tế cầu Ghềnh chưa có trụ chống va.

Tuy nhiên, tại đây đã được một đơn vị điều tiết giao thông đường thủy tỉnh Đồng Nai tổ chức điều tiết giao thông thủy cho cầu.

Ngay sau khi xảy ra sự cố đơn vị này là đơn vị đầu tiên có mặt tại hiện trường kịp thời giúp những người đi trên cầu bị sập rơi xuống sông.

Trả lời câu hỏi liệu còn bao nhiêu cầu yếu trên tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Bình Thuận (do đơn vị quản lý) và ai chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn cầu đường sắt, ông Hòa cho biết có bốn cầu gồm cầu Gềnh (còn gọi là cầu Đồng Nai Lớn), cầu Rạch Cát (còn gọi cầu Đồng Nai nhỏ), cầu Gò Dưa và cầu Bình Lợi.

Trong số này, cầu Rạch Cát và cầu Gò Dưa nằm trên sông, rạch nhỏ chỉ có ghe, xuồng nhỏ đi lại nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Riêng cầu Ghềnh có độ tĩnh không 4m, nhưng nước triều lên cao nhất ghi nhận được cách đây 2 năm chỉ cách cầu 1m. Còn cầu Bình Lợi có độ tĩnh không 1,8m và lúc triều lên cao nhất mực nước có khi gần chạm đáy dầm cầu. 

Tuy nhiên, cầu Ghềnh và cầu Bình Lợi có nhiều phương tiện thủy như tàu, sà lan có sức chở lớn đi lại nên phải tổ chức điều tiết giao thông thủy.

Theo ông Hoàng Văn Hùng - chi cục trưởng Chi cục đường thủy phía Nam - thực tế lực lượng điều tiết giao thông thủy khu vực cầu Ghềnh chỉ hoạt động trong thời gian hồ thủy điện Trị An xã lũ. Chẳng hạn trong năm 2015 lực lượng điều tiết giao thông thủy ở cầu này chỉ hoạt động trong 25 ngày nhằm bảo vệ an toàn cầu.

Sau khi xảy ra sự cố sập cầu Ghềnh, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, trước mắt lực lượng điều tiết giao thông thủy ở cầu Ghềnh không cho phương tiện thủy hoạt động cho đến khi khắc phục sửa chữa xong cầu.

Theo Chi cục đường thủy phía Nam, trong số các cầu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ở khu vực các tỉnh, TP phía Nam do đơn vị quản lý chỉ có cầu Ghềnh và cầu Bình Lợi là cần tổ chức điều tiết giao thông thủy để bảo vệ cầu.

Trong đó, cầu Bình Lợi đã được tổ chức điều tiết giao thông thủy quanh năm nhằm bảo vệ an toàn cầu.

Cần làm cầu Ghềnh mới ở vị trí khác

Chuyên gia Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội cầu cảng TP.HCM cho rằng rõ ràng lỗi đầu tiên xảy ra vụ sập cầu Ghềnh là do tài công đã điều khiển sà lan đụng vào cầu, nhưng trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước thuộc về Cục Đường thủy nội địa VN trong việc quản lý biển báo về giao thông thủy ở khu vực cầu Gềnh, quản lý  giám sát về chất lượng tài công trước tình trạng mua giấy phép, giấy phép giả rất nhiều.

Cầu Ghềnh đã được xây dựng từ năm 1903 đến nay đã hơn 113 tuổi,  sau khi bị đụng chắc chắn sắt dầm cầu đã hư hỏng không thể sửa chữa vì phần lớn sắt được lắp đặt bằng bu lon không thể tái sử dụng được và trụ cầu cũng đã hư hỏng.

Vì vậy, theo tôi trước mắt chỉ gia cố, sửa chữa cầu Ghềnh tạm thời cho đường sắt lưu thông nhưng không nên xây dựng cầu Ghềnh mới tại vị trí cũ hoặc gần bên cạnh cầu này.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện phương án xây dựng cầu mới theo qui hoạch của Thủ tướng đã được phê duyệt theo hướng cầu đường sắt trên tuyến sẽ tránh TP Biên Hòa, đi qua hạ lưu cảng Đồng Nai…

Nghĩa là chúng ta cần làm một chiếc cầu mới trên tuyến đường sắt đúng qui hoạch, thay vì xây cầu Ghềnh mới ở vị trí cũ sẽ tốn thêm tiền.

 

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên